Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

PHƯƠNG HIỀN 04/06/2013 07:41

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 3.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai đã có những góp ý quan trọng.

  • Hôm nay, Quốc hội bàn về sửa đổi Hiến pháp 1992
  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Theo đại biểu Lê Văn Lai, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992 theo Nghị quyết của Quốc hội đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Quảng Nam nói riêng. Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị Quảng Nam đã triến khai việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách nghiêm túc, sâu rộng, thu hút được sự tham gia rộng rãi và tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và thu được những kết quả tốt đẹp. Với trên 10.000 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhân dân Quảng Nam đã thể hiện sự đồng ý cao với chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc sửa đổi Hiến pháp và thống nhất với những nội dung sửa đổi. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Văn Lai, qua tổng hợp ý kiến của nhân dân Quảng Nam góp ý vào Điều 4, nhiều  ý kiến nhân dân  cho rằng quy định như Điều 4 còn mang tính chung chung, các ý kiến đề nghị Hiến pháp cần phải quy định rõ hơn, khẳng định mạnh mẽ hơn, đặc biệt phải hiến định ít nhất 3 vấn đề cốt lõi: Thứ nhất, phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua cương lĩnh, đường lối, chính sách, quy định như vậy để hạn chế sự can thiệp vào những hoạt động cụ thể của Nhà nước. Thứ hai, Hiến pháp phải hiến định cơ chế để nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia giám sát Đảng, giám sát hoạt động của Đảng. Thứ ba, hiến định sự lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức cán bộ, đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, trên thực tế từ trước đến nay thực tế Đảng CSVN đã thực hiện nhưng chưa được hiến định.

Góp ý vào Điều 9 của Hiến pháp về vai trò của MTTQ Việt Nam, đại biểu Lê Văn Lai thống nhất với nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về quy định thêm một số chức năng của tổ chức Mặt trận như chức năng phản biện xã hội, chức năng đại diện cho vai trò giám sát của nhân dân, song đại biểu Lê Văn Lai đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 xem xét, xác định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam. Theo đó, đại biểu Lê Văn Lai đề nghị bổ sung thêm nội dung “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị” vào đoạn đầu tiên của Điều 9 để tăng cường vị trí của MTTQ trước khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ...

PHƯƠNG HIỀN

PHƯƠNG HIỀN