Điểm sáng Quế Sơn
Sau 2 năm thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ruộng lúa không chủ động nước tưới, huyện Quế Sơn đã có những thành công đáng khích lệ khi giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Thành công từ các mô hình điểm
Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, vụ đông xuân 2010-2011, thời tiết khắc nghiệt khiến toàn huyện mất trắng 536ha lúa. Do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên hàng chục năm qua vụ lúa nào nông dân địa phương cũng bị thất thu sản lượng vì nhiều chân ruộng không chủ động nước tưới. Nhằm giúp nông dân hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại và nhanh chóng nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, giữa năm 2011 UBND huyện Quế Sơn phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ruộng lúa thường xuyên thiếu nước tưới. Để thực hiện hiệu quả đề án này, lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương quy hoạch lại sản xuất, đồng thời tập trung vận động nông dân tích cực tham gia, nhất là trong vụ hè thu.
Mô hình canh tác đậu phụng trên đất lúa tại cánh đồng Cây Trai (thôn Nghi Trung, xã Quế Hiệp) đang phát triển tốt. |
Ông Chín cho hay, sau khi đề án được phê duyệt, ngành nông nghiệp huyện quyết định chọn xã Quế Thuận và thị trấn Đông Phú để triển khai thực hiện thí điểm. Theo đó, tiến hành khảo nghiệm mô hình trồng bắp lai VN10 với quy mô 2,3ha trên cánh đồng Chanh (thôn Mỹ Đông, thị trấn Đông Phú) và mô hình trồng bắp lai xen đậu xanh DX208 với diện tích 2,4ha tại khu vực đồng Cạn (thôn 3, xã Quế Thuận). Để tiếp sức cho nông dân, ngân sách huyện đã chi hơn 35 triệu đồng giúp các hộ dân tham gia mô hình có điều kiện đóng giếng, mua máy bơm nước và hỗ trợ 100% tiền mua giống, 30% tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài việc tập huấn kỹ thuật trồng bắp lai và đậu xanh cho hơn 50 hộ dân ở 2 địa phương này ngay từ đầu vụ hè thu 2011, các cơ quan chuyên môn của huyện còn cắt cử nhiều cán bộ theo dõi, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng trong suốt quá trình sinh trưởng. Kết quả thực hiện thí điểm cho thấy cả 2 mô hình đều cho năng suất khá. Tại thị trấn Đông Phú, năng suất bắp lai đạt 100 - 160kg/sào. Trong khi đó, mô hình ở xã Quế Thuận bắp lai cho năng suất 100 - 120kg/sào, còn đậu xanh đạt 50kg/sào.
Trồng bắp lai trên ruộng lúa không chủ động tưới, giá trị kinh tế tăng lên gấp đôi. |
Nhân rộng
Từ thành công bước đầu của các mô hình điểm, thời gian qua UBND huyện Quế Sơn đã yêu cầu 14 xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh quy hoạch vùng chuyển đổi đối với từng loại cây trồng phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đồng thời, ban hành đề cương hướng dẫn để chính quyền cơ sở xây dựng phương án thực hiện trên phạm vi rộng. Ông Trần Anh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, toàn xã có 295ha đất lúa nhưng có đến 100ha không đảm bảo nước tưới. Theo ông Toàn, hiện nay tại Quế Hiệp có 2 mô hình trồng đậu phụng trên đất lúa ở cánh đồng Cây Trai (thôn Nghi Trung) và Đồng Trén (thôn Nghi Thượng) với tổng diện tích 2,5ha. Ông Toàn nói: “Thời điểm này cây đậu đang sinh trưởng rất tốt, tuy chưa thể đánh giá được lợi ích kinh tế mang lại nhưng tôi nhận thấy hướng đi này rất triển vọng. Đây được xem là phương án chống hạn tối ưu của địa phương nhằm giúp nông dân hạn chế thiệt hại, tăng nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích”.
Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, sau 2 năm triển khai đề án, Quế Sơn đã thực hiện chuyển đổi gần 530ha đất sản xuất lúa không chủ động nước tưới sang canh tác các loại cây trồng cạn như sắn, đậu phụng, bắp lai, đậu xanh. Thực tế cho thấy, tại những vùng nước tưới chủ yếu dựa vào trời, nếu sản xuất 1ha lúa nông dân chỉ thu về chừng 20 triệu đồng, còn nếu canh tác bắp lai, đậu phụng, sắn thì tổng giá trị đạt 35 - 45 triệu đồng. |
Đầu vụ hè thu 2013 này xã Quế Hiệp đã hỗ trợ nông dân 100% tiền giống từ nguồn vốn phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới cho mô hình ở Đồng Trén, mô hình còn lại do ngân sách huyện hỗ trợ. Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình trồng đậu phụng trên cánh đồng Cây Trai, ông Trần Thanh Chung – Phó ban Nông nghiệp xã nói: “Thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình phát triển sản xuất, nhất là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng là vấn đề rất khó. Vì thế, các ngành, đoàn thể phải vào cuộc vận động liên tục. Lãnh đạo địa phương cũng chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ thuật, cấp phát tài liệu, hướng dẫn phương thức canh tác hiệu quả cho nông dân”.
Hiện nay nông dân xã Quế Châu, Quế Cường, Phú Thọ, Quế Phong, Quế Long, Quế An... cũng đang tất tả xuống giống nhiều loại cây trồng cạn chủ lực có sức chịu hạn tốt trên những chân ruộng lúa hoàn toàn không chủ động nước tưới. Ông Trần Đại Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn nói: “Việc thực hiện đề án sẽ đạt kết quả cao nếu có sự tập trung trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và nhất là ý chí quyết tâm của người dân trong việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, huyện cũng rất mong các ngành liên quan ở tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để địa phương tiếp sức cho nhà nông trong quá trình thực hiện chủ trương này”.
VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO