Nhiều nơi thiếu điện, khát nước

LÊ DIỆU - DUY THÁI - KHÁNH LINH 27/05/2013 09:23

Mùa nắng nóng, hàng trăm hộ dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sống trong tình trạng thiếu điện và khát nước sạch...

Khổ vì không điện

Đầu hè, trời oi bức, cả trăm con người sống trong những ngôi nhà gỗ chỏng chơ trên triền núi cao thuộc xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) vùng tây xứ Quảng đang phải hứng chịu cái nắng nóng khắc nghiệt. Đứng trưa, ghé thăm các gia đình đồng bào dân tộc Bhnoong tại thôn Triêng và thôn Luông A (xã Phước Kim), nhìn quanh chúng tôi chẳng thấy chiếc quạt máy nào. Hỏi ra mới biết, cho đến bây giờ bà con nơi đây vẫn chưa được nhìn thấy ánh đèn điện. Ông Hồ Văn Thương - một người dân thôn Triêng nói: “Vì không có điện nên tối nào gia đình tui và người dân trong vùng cũng đi ngủ sớm chứ thức cũng chẳng biết làm chi. Tội mấy đứa trẻ! Để kiếm cái chữ chúng phải thắp đèn dầu học bài, khói tù mù”. Hiện thôn Triêng có 26 hộ dân với 145 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Bhnoong sinh sống. Dù quanh năm suốt tháng làm rẫy, đi rừng nhưng cuộc sống của họ vẫn thường thiếu trước hụt sau. Đâu chỉ vất vả kiếm cái ăn, người dân nơi đây cũng luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước, thiếu điện, thiếu trạm xá, chợ búa, trường học, sóng điện thoại... Chưa hết, để không phải chịu cái phận mù chữ, ngày ngày trẻ em trong làng phải vượt 2km đường rừng đến trường, và đêm về leo lắt với ánh đèn dầu ngồi ôn bài.

Người dân hứng từng giọt nước từ dưới khe chảy về.Ảnh: DIỆU THÁI
Người dân hứng từng giọt nước từ dưới khe chảy về.Ảnh: DIỆU THÁI

Tại khu vực thôn Luông A, xem ra tình hình cũng chẳng khá hơn. Mặc dù đã được xây dựng nhà ở khu tái định cư mới, đời sống ổn định hơn trước nhưng người dân nơi đây vẫn còn sống trong cảnh thiếu điện. Bà Hồ Thị Sinh - một người dân địa phương bộc bạch: “Bà con trong khu tái định cư chuyển về đây hơn một năm rồi. Tưởng tới nơi ở mới sẽ có điện sinh hoạt nào ngờ đến bây giờ vẫn phải sống trong cảnh thắp đèn dầu”. Còn ông Hồ Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim nói: “Vì không có điện nên đời sống bà con vùng này gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng tình trạng thiếu điện ở thôn Triêng và Luông A vẫn chưa được giải quyết. Chẳng biết phải chờ đến bao giờ”.

Thị trấn khát nước

Nằm kẹp giữa hai dãy núi đá vôi sừng sững, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) những ngày này trở nên ngột ngạt, khô khốc, trong khi đó người dân nơi đây đang hằng ngày phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Từ ngày dòng nước con sông Cái chạy ngang qua thị trấn trở nên đục ngầu, khô cạn do thủy điện và nạn khai thác vàng từ phía thượng nguồn thì hơn 1.500 hộ tại thị trấn Thạnh Mỹ cũng lâm vào cảnh khát nước phải chuyển sang dùng nước mưa và nước tự chảy. Tuy nhiên, do là núi đá vôi nên hầu như các nguồn nước tự chảy nơi đây đều bị vôi hóa nặng. Ông Nguyễn Văn Phú, người dân thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, nước tự chảy đựng trong lu nhà ông thường có một lớp bột dày lắng đọng bên dưới. Nước tự chảy chủ yếu tắm giặt, không ai dám dùng để nấu nướng vì sợ bị sỏi thận. Ông Phú cũng như nhiều hộ ở Thạnh Mỹ chỉ còn cách trữ nước mưa hoặc đi mua nước bình về nấu nướng ăn uống. Còn theo bà Lê Thị Thanh (gần nhà ông Phú), mùa hè gia đình bà không chỉ đi mua nước bình mà còn phải mua lại nước mưa để dùng, đôi khi bí quá gia đình cũng phải dùng nước tự chảy để sinh hoạt. “Ở đây chỉ có hai nguồn nước là nước tự chảy và nước tự… chở thôi” - bà Thanh nói.

Năm 2007, Nhà máy cấp thoát nước Nam Giang được khởi công xây dựng với mục đích cung cấp nước sạch cho người dân tại thị trấn Thạnh Mỹ, đến tháng 1.2013 thì đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 1.000m3/ngày đêm, nguồn nước lấy chủ yếu từ sông Cái. Tuy nhiên, đến nay qua hơn 5 tháng hoạt động, số hộ dân đăng ký cũng chỉ khoảng 600 hộ do còn nghi ngại chất lượng nước nhà máy. Nhiều người còn nói “nhìn nước sông đục ngầu thế kia ai mà dám dùng”. Nhiều hộ dân nơi đây lo ngại các hóa chất độc hại như cyanua của các mỏ vàng khai thác trái phép trên thượng nguồn đổ về vẫn còn trong nước. Theo ông Hoàng Minh Cẩn - Phó Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Nam Giang, đơn vị quản lý khai thác nhà máy khẳng định chất lượng nước luôn đảm bảo vì quy trình xử lý nước rất chặt chẽ và đảm bảo các thành phần hóa lý. “Đầu tiên nước được hút dưới sông lên bể thu (giếng), bơm về bể lắng đọng, sau đó xử lý phèn, vôi cho trong rồi pha chế clor để diệt khuẩn, tiếp tục lọc qua bể lọc, lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh mới cung cấp đến người dân”.

Ông Cẩn cho biết, đơn vị đã tuyên truyền, thuyết phục người dân sử dụng nước của nhà máy để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, điều đáng lo là hiện nhà máy mới chỉ cung cấp khoảng 300m3 nước/ngày do nguồn nước sông Cái cạn kiệt. Để đáp ứng nhu cầu người dân, mỗi ngày nhà máy chỉ mở nước 2 đợt vào buổi sáng và chiều, mỗi lần 2 tiếng đồng hồ. Để khắc phục tình trạng trên, nhà máy đang nguyên cứu phương án đưa nguồn nước suối Hà Ra cách thị trấn Thạnh Mỹ khoảng 7km về xử lý sử dụng nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn, dự kiến khoảng 5 tỷ đồng.

LÊ DIỆU - DUY THÁI - KHÁNH LINH

LÊ DIỆU - DUY THÁI - KHÁNH LINH