Kho thóc học đường

THIÊN NGA 24/05/2013 08:18

Để giải quyết tình trạng thiếu gạo ăn của thầy và trò trường THCS Trà Cang (huyện vùng cao Nam Trà My), Hội Phụ nữ xã Trà Cang có sáng kiến thành lập “Kho thóc học đường”, vận động nhân dân tham gia đóng góp.

Thầy và trò trường THCS Trà Cang yên tâm vì đã có “Kho thóc học đường”. Ảnh: THIÊN NGA
Thầy và trò trường THCS Trà Cang yên tâm vì đã có “Kho thóc học đường”. Ảnh: THIÊN NGA

Tắc đường là thiếu gạo

Để đến trường THCS Trà Cang, từ trung tâm huyện Nam Trà My, sau khi qua quãng đường tạm gọi là thuận lợi, chúng tôi phải băng qua một con sông, một con suối, len lách qua những tảng đá hộc nằm chềnh ềnh giữa con dốc trơn trượt. Càng gần đến trường, đường càng khó đi, nhiều dốc, có đoạn đá lởm chởm, có đoạn đất sét trơn trượt. Quãng đường từ trung tâm huyện lên trung tâm xã Trà Cang chưa đầy 15km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ hì hục cùng chiếc xe máy mới tới nơi. Chúng tôi kể lể dài dòng để thấy rằng, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm lên xã là cả một vấn đề gian nan. Nhiều lần, do mưa lụt lớn, nước suối dâng cao, gây tắc đường, nên ngay cả gạo cũng thiếu cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, ở đây, việc nước suối dâng cao, lũ quét, lũ ống, lở đất, lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một khi có mưa to, lũ về, các tuyến đường huyết mạch bị sạt lở, đường liên huyện, liên thôn, đường dân sinh bị hư hỏng, làm cho nhiều bản làng bị cô lập hoàn toàn trong thời gian dài. Những lúc như thế, các điểm trường thường lâm vào cảnh thiếu gạo. Để chủ động đối phó, trường THCS Trà Cang năm nào cũng mua gạo dự trữ, nhất là thời điểm trước mùa mưa. Tuy nhiên, do thiếu phòng chứa, khí hậu ở đây ẩm ướt nên một phần gạo bị mốc phải bỏ đi, dẫn đến tình trạng trường thiếu gạo ăn. Mặt khác, để có kinh phí mua gạo dự trữ, nhà trường phải cắt một phần tiền thức ăn chuyển sang nên phần ăn của các em bị giảm chất lượng.

Tấm lòng người dân

Thấu hiểu được tình cảnh đó, Hội Phụ nữ xã Trà Cang đã vận động chị em hội viên toàn xã quyên góp xây dựng “Kho thóc học đường” tặng thầy và trò trường THCS Trà Cang. Để có kinh phí xây dựng kho thóc, Hội Phụ nữ xã kêu gọi hội viên đóng góp ủng hộ 10.000 đồng/người. Tháng 11.2012, kho thóc hoàn thành, được xây dựng theo kiến trúc của bà con dân tộc Xê Đăng nơi đây. Kho thóc có diện tích khoảng 6m2, được làm theo kiểu nhà sàn, xung quanh đóng ván rất kín, mái lợp bằng tôn. Kho thóc được đặt ở vị trí cao ráo, thoáng gió, tách biệt với các phòng học, nhà ăn, khu ở của trường. Việc làm này của Hội Phụ nữ xã còn có ý nghĩa tác động đến nhận thức, làm cho nhân dân trong vùng quan tâm đến việc học của con em mình.

Đường đến Trà Cang mùa mưa lũ.
Đường đến Trà Cang mùa mưa lũ.

Dù ở các nóc xa xôi, cách trường đến 4 tiếng đồng hồ đi bộ, vậy mà, sau mùa gặt, đồng bào vẫn cõng lúa, cõng gạo ra xã để góp cho kho thóc thêm đầy. Chị Hồ Thị Biên (ở thôn 1) tâm sự: “Mình góp gạo thóc cho các em học sinh có cái ăn mà học tập, thầy cô có cái ăn mà dạy bảo cho con cháu mình cái chữ. Góp gạo, góp tiền cũng là để nuôi con, nuôi cháu mình mà. Các cháu đến trường đã không phải nộp tiền còn được Nhà nước cho ăn, cho tiền mua sách vở, bút mực. Mình cùng gia đình đóng góp vào kho thóc, giúp cho con em thêm no cái bụng, dễ học cái chữ thôi”.

Lúc đầu là góp lúa, nhưng sau này, nhận thấy tại xã không có máy xay xát, chị em bàn với nhau chuyển sang quyên góp gạo cho học sinh dễ sử dụng. Đến nay, hội đã quyên góp được hơn 2 tấn lúa, gạo cho học sinh. “Kho thóc học đường” được giao cho trường tự quản. Khi nào có thiên tai, hoạn nạn hoặc gạo chưa tới kịp thì xuất kho để cung ứng lương thực cho học sinh. Chị Nguyễn Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Cang cho biết: “Khi xuống từng nóc vận động thành lập “Kho thóc học đường” cho trường THCS xã Trà Cang, chúng tôi được hội viên, phụ nữ hưởng ứng ngay. Từ khi thành lập kho thóc đến nay, cứ vào mùa thu hoạch rẫy là bà con lại gùi những gùi thóc đến kho đóng góp. Tùy khả năng gia đình, được mùa hay mất mùa, mà các chị góp nhiều hay ít”.

Thành lập “Kho thóc học đường” ở trường THCS xã Trà Cang tuy là việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa nhân văn to lớn. Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói: “Nhà trường hiện có 280 học sinh các khối lớp, mỗi ngày tiêu thụ hết 1 tạ gạo, nên khi xảy ra sự cố tắc đường, tình trạng thiếu gạo là không tránh khỏi. Chúng tôi hết sức biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã với sáng kiến hết sức ý nghĩa này. Từ ngày có “Kho thóc học đường”, nhà trường rất yên tâm vì không sợ “bất ngờ” thiếu gạo nữa”.

THIÊN NGA

THIÊN NGA