Về đất nghèo Bình Nam
Vùng cát Bình Nam bao đời loay hoay chống chọi với khô hạn vào mùa hạ, ngập úng vào mùa mưa nên cái khó cái nghèo cứ bám riết người dân. Đây là xã nghèo nhất của huyện Thăng Bình, cứ 4 hộ dân, có một hộ nghèo.
Ngư dân Lê Văn Xuân vá lưới chuẩn bị cho một đêm đánh bắt cá hố. Ảnh: HỮU PHÚC |
Èo uột nghề biển
Từ Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ) phóng xe vài cây số là gặp biển Bình Nam. Bãi biển Bình Nam quạnh quẽ, thưa vắng bóng người quanh năm. Nơi đây không quán xá, không chợ buôn bán di động trên bãi biển như thường thấy ở các làng biển khác. Hộ nghèo bình quân toàn xã hơn 23% thì các thôn Vịnh Giang, Phương Tân có đến hơn 27%. Lão ngư Lê Văn Xuân (60 tuổi, thôn Vịnh Giang) đang vá tấm lưới, cười hiền: “Dân làng chài chỉ ra khơi đúng 3 tháng hè và mưu sinh mỗi nghề khai thác cá trích, cá hố. Chiếc xuồng nan gắn máy - phương tiện khai thác chủ yếu ở đây - đêm nào “trúng mánh” thì kiếm tạ cá, trừ phí tổn dư vài trăm nghìn đồng”. Phương tiện đánh bắt nhỏ, ngư trường hẹp, nên ngư dân không mấy mặn mà với biển. Theo ông Xuân, biển Bình Nam không trù phú nguồn lợi hải sản như các vùng khác, biển lại cạn tàu thuyền lớn khó ra vào. Do đó, phần lớn thanh niên làng chài khỏe mạnh đều đi câu mực khơi, khai thác giã cào cho các chủ tàu thuyền ở các xã Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành), hay ra Duy Hải (Duy Xuyên), TP.Đà Nẵng.
Hiện nay, số lao động bám biển của địa phương hầu hết đã hơn 50 tuổi. Xã Bình Nam có tất cả 6 thôn. Trong đó, 2 thôn Phương Tân và Vịnh Giang sống thuần về kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ có vỏn vẹn 2 ghe mành bằng thân gỗ và 171 ghe nan. Vì sao ngư dân Bình Nam sợ đóng tàu lớn vươn khơi? Một cán bộ xã Bình Nam thông tin, trước đây, ngư dân có vay tiền Nhà nước đóng 2 tàu công suất trên 90CV, nhưng vùng bãi ngang này không có nơi trú bão an toàn, mùa mưa bão sóng gió đánh bể nát 2 phương tiện. Ngư dân nào khát khao vươn khơi xa, chỉ còn cách đến vùng biển khác làm ăn.
Gánh nặng nợ nần
Không thể vươn ra biển lớn, dân Bình Nam nuôi mộng đổi đời từ con tôm thẻ chân trắng. Các ao nuôi tôm sú có sẵn đã dần chuyển sang nuôi tôm. Để mở rộng diện tích ao nuôi, không ít rừng dương chắn sóng đã bị lén lút san bằng. Những năm 2005 - 2007, con tôm đã giúp một số nông dân chân đất trở thành triệu phú. Có tiền, nhiều ngôi nhà mới khang trang, cao tầng mọc lên giữa nổng cát quê nghèo. Thế là, nhà nhà bỏ ruộng, rời biển, cầm cố tài sản lấy vốn nuôi tôm. Vậy mà, con tôm đâu có chiều theo lòng người. Liên tiếp những vụ thất bát xảy ra, tôm chết hàng loạt vì nguồn nước ô nhiễm, khiến người dân điêu đứng. Nhiều gia đình vì nuôi tôm thất bát phải bán trâu bò, nhà cửa để trả nợ. Có người vì không còn khả năng trả nợ phải ra tòa. Từ 140ha diện tích nuôi tôm, bây giờ địa phương chỉ còn nuôi cầm chừng hơn 70ha ven sông Trường Giang, còn lại bỏ hoang.
Giấc mơ đổi đời từ con tôm không chỉ ở người dân mà còn có cả cán bộ. Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư hạ tầng, đào ao nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại một đồng nào. Các vụ nuôi trước đều lỗ nặng, nhưng ông vẫn không có ý định từ bỏ con tôm. Ông bảo, nghề nuôi tôm chẳng khác gì đánh bạc với trời. Biết “chơi” là thua, nhưng vẫn muốn “chơi”. “Con tôm trúng và thất bát theo khu vực. Thông thường, nơi này được thì nơi khác mất và ngược lại. Vì thế, người dân hy vọng “vòng quay” được mùa sẽ đến lượt mình nên không thể bỏ cuộc giữa chừng, bởi thế, nhiều người nợ nần chồng chất” - ông Tốt nói.
Luẩn quẩn cái nghèo
Sản xuất nông nghiệp ở 2 thôn Đông Tác, Nghĩa Hòa của Bình Nam lâu nay hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Năm nào được mùa lắm mới cho năng suất 40 tạ/ha (năng suất lúa bình quân toàn tỉnh hơn 55 tạ/ha). Để cứu hàng trăm héc ta lúa, cây màu không bị héo úa vì hạn, ngành nông nghiệp Thăng Bình đã từng bỏ tiền tỷ đào móc kênh mương, giải thủy đồng ruộng nơi này. Thế nhưng, sau thời gian, dự án dang dở do không phát huy hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tốt khẳng định, địa phương không chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, do hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Vụ hè thu, nhiều đồng đất hầu như bỏ hoang.
Anh Võ Đình Thanh, cán bộ xã Bình Nam, nói: “Hạ tầng cơ sở yếu kém, dịch vụ nghèo nàn khó thu hút đầu tư. Gần 200 thanh niên, lao động chính của địa phương, đi làm thuê khắp nơi, chỉ còn người già, trẻ em, phụ nữ ở lại quê. Vì hộ nghèo đông nên các chương trình, chính sách vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn”. Tháng 6 đến, xã Bình Nam phát động xây dựng mô hình nông thôn mới. Hy vọng phong trào sẽ mang đến luồng gió mới cho mảnh đất nghèo khó này.
TRẦN HỮU PHÚC