Cuộc đua khai thác năng lượng biển

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 23/05/2013 10:22

Khi các nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt, giá cả ngày một tăng và một phần tác động xấu đến môi trường thì việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo từ đại dương đang là lĩnh vực có khả năng mang lại những nguồn năng lượng xanh thay thế với tiềm năng lớn.

TỪ vài năm trở lại đây, các nền kinh tế đầu tàu của thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…  đã bắt đầu sử dụng một số năng lượng tái tạo ít gây ra hiệu ứng nhà kính như năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên đất liền và nay một phần các cuộc đầu tư lớn dần chuyển sang năng lượng xanh hướng ra đại dương. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tiềm năng của các loại hình năng lượng tái tạo từ biển cả như năng lượng gió, năng lượng dòng chảy, thủy triều, nhiệt năng… vô cùng lớn,  gấp hàng trăm lần năng lượng mà toàn bộ động thực vật cần để sinh trưởng trên trái đất. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào có được các công nghệ và nguồn lực tài chính để khai thác những tài nguyên “vô tận” này.

Cuộc đua khai thác năng lượng biển đang diễn ra giữa các nền kinh tế.
Cuộc đua khai thác năng lượng biển đang diễn ra giữa các nền kinh tế.

Pháp đưa ra kế hoạch chiến lược đến năm 2020 sẽ dẫn đầu khu vực châu Âu khai thác năng lượng tái tạo trên biển. Trong khi đó, nước Anh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hình thức khai thác năng lượng tái tạo từ các dòng chảy ngầm. Trại điện gió Greater Gabbard ở ngoài khơi đông nam nước Anh đã hoàn thành cuối năm 2012, với công suất 500MW được coi là trại lớn nhất.  Nhật Bản sau thảm họa do động đất và sóng thần vào năm 2011 cũng đang có kế hoạch từ đây đến năm 2020, xây dựng một trại điện với công suất lớn nhất thế giới ngoài khơi tỉnh Fukushima. Tại Canada đã vận hành một nhà máy 20MW từ năm 1984, sản xuất 30 triệu kilowatt điện hằng năm. Trung Quốc cũng là một nước rất quan tâm đến nguồn năng lượng sạch khi có 7 nhà máy điện thủy triều đang vận hành với tổng công suất 11MW. Gần đây, Hàn Quốc rất chú trọng khai thác sử dụng năng lượng thủy triều. Một nhà máy điện thủy triều Shiwa có công suất 254MW được hoàn thành năm 2010. Tại thành phố Incheon, từ năm 2007 đã xây dựng một nhà máy có công suất 812MW lớn nhất thế giới, với 32 tổ máy và sẽ đưa vào vận hành năm 2015. Theo ước tính, vào ngưỡng cửa 2030, thị trường toàn thế giới về tua - bin thủy lực biển ước tính khoảng 70 tỷ đến 100 tỷ euro.

Theo ông Philippe Bornens, đồng Giám đốc In Vivo Environnement (Văn phòng nghiên cứu môi trường đại dương, khu vực biển ven bờ và những tác động của hoạt động con người đến đại dương), ảnh hưởng của các loại hình khai thác năng lượng tái tạo biển đến môi trường sinh thái và các hoạt động khác của con người khác nhau. Điều này có thể xảy ra khi một dự án điện gió được đặt trên tuyến đường di cư của chim sẽ ảnh hướng đến việc di cư của chúng. Việc lập các trạm điện gió trên biển chắc chắn sẽ làm thay đổi môi trường sinh thái tại một khu vực, nhưng tác động của chúng sẽ trải rộng. Ở từng vị trí cụ thể, hệ sinh thái bị tác động đôi chút… Nhưng nhìn chung, việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo từ biển có nguy cơ tác động xấu đến môi trường là rất thấp, song lại đem lại nguồn năng lượng sạch mà thế giới đang mưu cầu.

 QUỐC HƯNG (tổng hợp)

QUỐC HƯNG (tổng hợp)