Ưu đãi nhân lực ngành y tế

ANH TRÂM 22/05/2013 08:06

Cùng với đề án Phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2020, đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng có những cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích cán bộ y về địa phương công tác. Hai đề án cùng triển khai mở ra hy vọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh.

Nhiều chuyên gia nước ngoài đến Quảng Nam để chuyển giao kỹ thuật y tế.
Nhiều chuyên gia nước ngoài đến Quảng Nam để chuyển giao kỹ thuật y tế.

Thực trạng

Nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng là thực tế diễn ra lâu nay của ngành y. Mặc dù cán bộ y tế thuộc các cơ sở công lập có gia tăng nhưng chưa đảm bảo số lượng tối thiểu theo Thông tư số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ở 3 lĩnh vực: dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ở lĩnh vực khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến tỉnh số lượng nhân lực chỉ đạt 75% yêu cầu; hệ dự phòng cả tuyến tỉnh lẫn tuyến huyện chỉ đạt 60% số lượng nhân lực tối thiểu theo quy định. Các trạm y tế thuộc vùng trung du, đồng bằng tuy đã đạt mức tối thiểu 5 người/trạm nhưng vẫn chưa đủ số lượng biên chế được tăng thêm khi dân số địa phương tăng. Thêm vào đó, ở các địa phương, cơ sở đều thiếu bác sĩ có trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực; thiếu bác sĩ chuyên sản, chuyên nhi cho y tế tuyến huyện và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; thiếu bác sĩ và kỹ thuật viên lĩnh vực vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, các chuyên khoa da liễu, y học cổ truyền, tai mũi họng, răng hàm mặt, nhãn khoa tại tuyến huyện… Đáng lưu ý, số cán bộ y tế có trình độ đại học y - dược còn rất thấp, đội ngũ có trình độ sau đại học cũng chỉ chủ yếu là bậc chuyên khoa I, nhân lực trình độ cao hơn vẫn còn ít…

Hiện nay, cơ sở đào tạo của tỉnh chỉ đào tạo nhân viên y tế có trình độ cao đẳng trở xuống, chưa liên kết với các trường đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Loại hình đào tạo cử tuyển và đào tạo liên thông theo địa chỉ sử dụng tuy giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhưng sinh viên sau khi ra trường cần phải tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật thực hành. Ngoài ra, do chính sách thu hút sinh viên ngành y ra trường của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn, nên việc tạo nguồn cán bộ của ngành y tế gần như không thực hiện được.

Kỳ vọng

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu trình độ và từng bước đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020”. Mục tiêu của đề án là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý về chuyên môn, phân bố cân đối giữa các tuyến, các lĩnh vực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Theo mục tiêu đề án đặt ra, đến năm 2015 Quảng Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 6 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học/10 nghìn dân; tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ có trình độ trên đại học đạt hơn 10%... Để đạt mục tiêu trên, đề án đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mới áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên được đào tạo, tuyển dụng, hợp đồng trong tỉnh và tại các trường đại học y, dược trong và ngoài nước, các bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học.

Ngoài ra, đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, trong đó có phát triển đào tạo nguồn lực y tế, cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân tài. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay mỗi năm có 40 sinh viên Quảng Nam đang học hoặc vừa tốt nghiệp tại các trường đại học y, dược tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế… Theo chính sách ưu đãi của các đề án, những người đi học sau đại học như tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, thạc sĩ được ngân sách tỉnh hỗ trợ toàn bộ học phí, sinh hoạt phí trong suốt thời gian tham gia khóa học. Học sinh THPT khi trúng tuyển đại học y, dược, thi đại học trong năm học đạt yêu cầu theo quy định của cơ sở đào tạo sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo (đối với sinh viên đã ra trường, kinh phí hỗ trợ lại bằng mức sinh hoạt phí của năm tham gia kế hoạch đào tạo nhân với số năm sinh viên đã học). Những đối tượng này khi về Quảng Nam công tác sẽ được bố trí phù hợp chuyên môn, nếu có nhu cầu mua đất làm nhà sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng…

Ông Trần Minh Cả - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực tỉnh cho biết: “Rất nhiều địa phương đã đưa ra các chính sách thu hút người tài, sinh viên học y, dược. Nhưng nếu không có chính sách “đạt yêu cầu” sẽ khó thu hút”. Bác sĩ Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Không dễ để một người hoàn thành chương trình chuyên môn sau đại học. Chẳng hạn, để có được một bác sĩ nội trú phải mất 9 năm mới hoàn thành xong một chương trình (6 năm học đại học, 3 năm học chuyên sâu) nên phải cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa dành cho nhân lực ngành y, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã có nhiều chương trình kết hợp với trường Đại học Y Dược Huế hỗ trợ đào tạo, thực hiện chính sách thu hút sinh viên Quảng Nam đang theo học tại trường”.

Tuy vậy, để phát triển nguồn nhân lực y tế đang trong tình trạng thiếu và yếu như hiện nay, không chỉ phụ thuộc vào chính sách ưu đãi dành cho con người mà còn có sự đầu tư vào trang thiết bị, phương tiện và cả hệ thống khám chữa bệnh đang còn rất nhiều khó khăn như hiện nay. Bài toán phát triển nguồn nhân lực y tế cần phải đi từng bước một, bắt đầu từ chính sách đào tạo, giữ chân.

ANH TRÂM

ANH TRÂM