Đảm bảo bền vững an ninh nguồn nước
Trong hai ngày 19 và 20.5, tại Trung tâm Hội nghị và trưng bày quốc tế Chiang Mai của Thái Lan diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai (APWF 2).
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trong khu vực đã và đang chịu tác động nặng nề từ diễn biến khí hậu toàn cầu, hạn hán, bùng nổ dân số, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, khai thác nước ngầm quá mức… Điều này khiến 75% quốc gia trong khu vực đang trải qua mối đe dọa thiếu nước nghiêm trọng, nhiều nước trong số đó phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sắp xảy ra. Theo thống kê, ngành nông nghiệp mũi nhọn của khu vực sử dụng khoảng 70% nước ngọt, do đó các nước cần nâng cao quản lý hiệu quả sử dụng nước, tránh lãng phí trong quá trình sản xuất. Có thể khẳng định, các quốc gia sẽ không thể đảm bảo an ninh lương thực nếu thiếu nước. Từ nhiều năm qua, nhiều nước đã triển khai các biện pháp đối phó với tình trạng này. Người nông dân có thể tăng hiệu quả sử dụng nước bằng cách canh tác theo các phương pháp tiết kiệm nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Khan hiếm nguồn nước đang đe dọa đến sản xuất nông nghiệp trong khu vực. |
Do vậy, việc khẩn trương cải thiện quản lý nguồn nước thông qua phương cách lãnh đạo đầy năng lực và hoạch định chính sách sáng tạo được xem là hành động thiết thực giải quyết thực trạng an ninh nguồn nước cho khu vực hiện nay cũng như trong tương lai. Chủ đề của APWF 2 là “Những thách thức về an ninh nước và thảm họa liên quan đến nước: Sự lãnh đạo và cam kết”. Qua đó, hội nghị tập trung thảo luận những lĩnh vực trọng tâm trong vấn đề an ninh nguồn nước liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững trong khu vực.
Đặc biệt, hội nghị lần này quan tâm và theo dõi thuyết trình các sáng kiến của nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej về các nội dung: Thực thi quản lý tài nguyên nước bền vững, thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo khu vực về các chính sách ưu tiên liên quan đến nước và các cam kết; tạo điều kiện hợp tác hiệu quả về an ninh nguồn nước ở các nước châu Á - Thái Bình Dương. Với phương châm “Nước là cuộc sống”, nhà vua Thái Lan được công chúng biết đến là người đi tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ tài nguyên rừng và nước, giúp giảm hiệu ứng nhà kính, cải thiện chất lượng cuộc sống tại Thái Lan...
Việt Nam tham dự hội nghị lần này nhằm khẳng định quan tâm và cam kết trong hợp tác quốc tế về nước, chia sẻ quan điểm về các thách thức đối với an ninh nguồn nước trong khu vực cũng như khả năng tiếp cận, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya cho biết, những kết quả đạt được tại hội nghị lần này sẽ đánh dấu bước ngoặt ý nghĩa về sự hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm giải quyết một trong thách thức chung về an ninh nguồn nước.
Những ngày trước khi diễn ra APWF 2, tại Trung tâm Hội nghị và trưng bày quốc tế Chiang Mai đã diễn ra sôi nổi các cuộc hội thảo và triển lãm về các chủ đề liên quan đến quản lý nguồn nước. Các quan chức cấp cao đã trao đổi, chia sẻ thông tin, các nghiệp vụ kỹ thuật, biện pháp cần thiết để giảm thiểu các tác động của hậu quả khan hiếm nguồn nước cũng như giới thiệu về những kế hoạch hành động để bảo quản và phát triển bền vững nguồn nước trong khu vực.
Nam Việt (tổng hợp)