Đào tạo lưu học sinh Lào: Tìm cách nâng cao chất lượng
Một cuộc hội thảo do trường Đại học (ĐH) Quảng Nam tổ chức mới đây nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đối với lưu học sinh (LHS) Lào đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên đến từ các trường đại học trong cả nước.
Lưu học sinh Lào theo học tại trường Đại học Quảng Nam.Ảnh: X.PHÚ |
Tăng cường dạy tiếng Việt
LHS muốn đạt kết quả tốt trong học tập, yêu cầu đầu tiên phải là thông thạo ngôn ngữ của đất nước mình du học. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Bá Hòa - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Quảng Nam, qua kết quả khảo sát, 100% LHS Lào cho biết khả năng tiếng Việt còn yếu, nhất là tiếng Việt khi vào học chuyên ngành. Trong đó, có đến 91% thẳng thắn nhìn nhận chỉ hiểu được một số từ khi nghe giảng bài. Trong quá trình học tập trên lớp không nghe kịp, không ghi kịp nên có 70% LHS Lào cho biết là phải mượn vở của bạn để ghi lại, thậm chí 7% “không nghe, không ghi và cũng không mượn vở chép lại”.
Tất cả LHS Lào trước khi sang Việt Nam học tập đều phải vượt qua kỳ thi các môn văn hóa tại Lào và được học 1 năm tiếng Việt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trình độ tiếng Việt yếu nên kết quả học tập chuyên ngành của LHS tại Quảng Nam khá thấp. Qua 4 khóa đào tạo tại trường ĐH Quảng Nam, hầu hết LHS xếp loại học tập yếu kém, chỉ số ít đạt loại trung bình. “LHS Lào chưa đủ trình độ tiếng Việt để tiếp thu kiến thức chuyên ngành. Vì thế, Bộ GDĐT cần ban hành chương trình, giáo trình đào tạo tiếng Việt cho LHS nước ngoài theo một chuẩn thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời cho phép các trường ĐH xét tuyển trình độ tiếng Việt các LHS trước khi tiếp nhận” - ThS. Nguyễn Bá Hòa nói. Trong khi đó, ThS. Hồ Văn Hùng, TS. Vũ Thị Phương Anh và ThS. Phan Thị Thanh Diễm (trường ĐH Quảng Nam) đề xuất nên kéo dài thời gian học tiếng Việt cho LHS lên hơn 1 năm (thực tế hiện nay chỉ có 9 tháng). Trong đó, sau 9 tháng học tiếng Việt cơ bản, sẽ được học thêm 6 tháng tiếng Việt chuyên ngành nhằm giúp các LHS Lào có điều kiện tiếp thu bài tốt hơn.
Đến từ một trường có kinh nghiệm 10 năm đào tạo LHS Lào (với hơn 1.300 LHS), ThS.Nguyễn Tiến Phùng (trường ĐH Quy Nhơn) cho biết, nhà trường đã xây dựng chương trình chi tiết và giáo trình tiếng Việt trong 10 tháng với thời lượng hơn 1.500 tiết. Cạnh đó, đẩy mạnh học tiếng Việt qua thực tế dưới hình thức các buổi dã ngoại, tham quan di tích văn hóa với sự hướng dẫn giúp đỡ của giảng viên. Cách làm này giúp cho LHS học tiếng Việt một cách tự nhiên, hiệu quả hơn. Đẩy mạnh giáo dục ngoại khóa để giúp LHS Lào học tiếng Việt tốt hơn cũng được một số đại biểu đề xuất tại hội thảo. Theo ThS. Nguyễn Thị Diệu Thúy (trường ĐH Hà Tĩnh), bên cạnh chương trình chính khóa, để nâng cao hiệu quả học tiếng Việt, thời gian qua trường ĐH Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ tiếng Việt, tổ chức trò chơi, tham quan. Qua các hoạt động này đã giúp cho LHS hiểu biết sâu sắc hơn sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt - điều mà thực tế trong các giờ học chính khóa không có.
Thay đổi cách đánh giá
Song hành với việc tăng cường giảng dạy tiếng Việt, để giúp cho LHS Lào nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải nỗ lực rất nhiều. Không giống với các trường ĐH khác, trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đào tạo LHS Lào theo lộ trình 6 năm. Trong đó, năm thứ nhất học tiếng Việt, năm thứ hai bổ túc các kiến thức chương trình THPT và đến năm thứ ba mới bắt đầu học chương trình ĐH. Nhờ đó, thời gian qua chất lượng đào tạo LHS Lào của trường được nâng lên rõ rệt. Còn theo TS.Nguyễn Văn Giang (trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum), giảng viên phải quan tâm, theo dõi giúp đỡ LHS từ cách đọc tài liệu, ghi bài đến giải thích thuật ngữ khó. Cạnh đó, nhà trường phải tăng cường thời lượng phụ đạo các học phần để giúp LHS nắm vững kiến thức.
Thay đổi cách kiểm tra nhằm đánh giá đúng năng lực của LHS Lào, tạo động lực cho các em phấn đấu trong học tập cũng được nhiều đại biểu đề cập. Theo TS.Vũ Thị Phương Anh, thời gian đầu LHS mới chỉ được trang bị kiến thức tiếng Việt cơ bản nên hạn chế trong việc học kiến thức chuyên ngành. Trong khi đó, hiện nay giữa sinh viên Việt Nam và LHS Lào đều cùng cách thức kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, nên thay đổi cách kiểm tra LHS bằng hình thức làm tiểu luận khi kết thúc học phần, làm khóa luận khi tốt nghiệp ra trường. Ngoài ra, trong quá trình học tập, nên cho LHS làm các bài kiểm tra theo dạng bài tập chuyên đề. ThS. Nguyễn Văn Thắng (trường ĐH Sư phạm Huế) đề xuất giải pháp cần thay đổi dần hình thức thi tự luận bằng vấn đáp nhằm nâng cao khả năng giao tiếp và lĩnh hội tri thức bằng tiếng Việt. Đồng thời, đổi mới hình thức ra đề thi theo hướng ra đề mở để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của LHS Lào.
Chia sẻ về quan điểm này cũng như kinh nghiệm từ trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, TS. Nguyễn Văn Giang cho rằng: “Vấn đề quan trọng hơn là thực hiện kiểm tra, đánh giá khoa học, hợp lý. Nhà trường nên tổ chức đánh giá theo từng tuần, từng tháng, từng năm học để có thông tin phản hồi kịp thời nhằm đưa ra cách giảng dạy hợp lý. Ngoài ra, nên có chính sách ưu tiên hơn trong xét thi đua, tuyên dương khen thưởng thành tích học tập của LHS để động viên, khuyến khích”.
XUÂN PHÚ