Khó quản lý thức ăn đường phố?

TÂM AN 18/05/2013 10:31

Trên thực tế, thức ăn đường phố (TAĐP) rất khó quản lý, dù ẩn họa ngộ độc thực phẩm từ “loại hình” này rất cao.

Trong tháng 4, vụ ngộ độc thực phẩm tại hội giỗ tổ ở Duy Châu (Duy Xuyên) đã khiến 154 người lâm nạn, nguyên nhân do vi khuẩn tụ cầu. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất tại Quảng Nam và được xếp vào “loại hình” TAĐP.

TAĐP đang hiện diện khắp nơi, từ những quán ăn bên đường đến xe bán hàng ăn di động, nhất là với khu vực đông người như bệnh viện, trường học, bến xe… Đặc điểm chung của loại hình thực phẩm này là việc thiếu cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh chật hẹp, bàn ghế tạm bợ, điều kiện vệ sinh kém. Nhiều bàn thức ăn không được che đậy, chỉ cách mặt đất chừng nửa mét. Số lượng người phục vụ ít nên hầu hết họ “kiêm nhiệm” nhiều vị trí cùng một lúc như dọn dẹp bàn, ghế, lau chùi, rửa bát và chế biến thức ăn. Khi chế biến thức ăn, chuyện dùng găng tay thì… lúc có lúc không. Số bát, đĩa khách hàng dùng xong chỉ được “xử lý” qua loa bằng nước. Đó là chưa kể đến những mối nguy mà người tiêu dùng chưa tận mắt chứng kiến từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chế biến.

Thế nhưng, có cầu ắt có cung, khách hàng luôn đông đúc. Tầm 3 giờ chiều, “phố thức ăn” dọc con đường Nguyễn Thái Học (Tam Kỳ) đầy ắp hàng thức ăn. Ngay từ phía đầu đường, chợ di động cùng với các gánh hàng ăn đã được bày ra, kéo dài đến ngã tư Huỳnh Thúc Kháng và kết thúc ở giao lộ với đường Trần Cao Vân. Có thể thấy rõ tình trạng đồ ăn không được che đậy, những vật dụng cáu bẩn, những thùng nước được dùng đi dùng lại xuất hiện nhếch nhác trên vỉa hè. Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn mua về, hoặc ăn tại chỗ.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất vệ sinh của TAĐP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định điều kiện ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, có hiệu lực từ ngày 20.1.2013. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện một số điều kiện như: người bán hàng phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; phải có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản thức ăn; phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… Cùng với Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 30 của Bộ Y tế không nhằm mục đích cấm mà giúp cụ thể hóa những điều kiện để cải thiện chất lượng và đảm bảo vệ sinh cho TAĐP. Vậy nhưng, sau gần 4 tháng, nhiều người vẫn còn “ngơ ngác” trước thông tư này.

Trở lại với vụ ngộ độc thực phẩm tại Duy Xuyên, ông Nguyễn Quốc Việt – Viện Pasteur Nha Trang lý giải: “Vụ ngộ độc này do tự phát, tính chất trong gia đình hoặc hợp đồng với dịch vụ nấu ăn nên được xem như một thể loại của TAĐP. Không có mẫu lưu thực phẩm riêng từng loại nên khi xác định kiểm tra mẫu thực phẩm chung cũng khó xác định nguyên nhân từ loại thực phẩm nào. Kết luận cho thấy trong thực phẩm có vi khuẩn tụ cầu – nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc. Ngộ độc thức ăn do tụ cầu không phải là một nhiễm trùng, mà là một nhiễm độc do ngoại độc tố đơn thuần. Điều đặc biệt, TAĐP không rõ ràng về nguồn gốc, nên dễ có những vi khuẩn này”. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Cam – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Quảng Nam cũng thừa nhận công tác quản lý TAĐP gặp nhiều khó khăn. Theo ông, nếu căn cứ pháp luật để quản lý sẽ không hiệu quả, mà biện pháp chính vẫn là tuyên truyền ở từng địa phương theo từng cấp từ huyện, đến xã, trạm y tế, thôn và từng hộ. “Khi ý thức về bữa ăn an toàn được người nội trợ chú trọng thì chất lượng ATVSTP sẽ được cải thiện. Hiện nay, tuyên truyền vẫn là phương pháp được chúng tôi đặc biệt quan tâm” - ông Nguyễn Cam cho biết thêm.

TÂM AN

TÂM AN