“Soi” kỹ bếp ăn tập thể
Bếp ăn tập thể được chú ý đầu tiên trong danh sách đen về nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đây là nơi nấu nướng, phục vụ thức ăn cho nhiều người, nếu không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ra sự cố ảnh hưởng sức khỏe.
Điều kiện vệ sinh kém
Theo chân Đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra ATVSTP tỉnh tại một số bếp ăn tập thể doanh nghiệp, trường học và bệnh viện, chúng tôi nhận thấy một số cơ sở vi phạm, trong đó lỗi nhiều nhất thuộc về điều kiện vệ sinh.
Hình ảnh khu vực nấu ăn ở một trường học bán trú.Ảnh: ANH TRÂM |
Kiểm tra bất ngờ bếp ăn dành cho học sinh bán trú một trường tiểu học nằm trên địa bàn TP.Tam Kỳ, học sinh được cô giáo phụ trách dọn bàn ăn ngay tại lớp, còn khu vực nấu ăn nằm cuối sau dãy lớp. Sàn nhà bếp bẩn, trơn trợt; khu vực chế biến còn ẩm thấp. Khu nấu ăn không có những thiết bị cần thiết. Trường đưa ra lý do cơ sở cũ, chưa chuyển qua khu vực mới nên chưa có sự phân khu rõ ràng, tuy nhiên vẫn cam kết đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh. Đoàn đã nhắc nhở nhà trường lưu ý hợp đồng với nguồn cung cấp thực phẩm an toàn; cải tạo khu vực bếp ăn đúng nguyên tắc một chiều, khắc phục vệ sinh, bảo quản riêng thức ăn sống và chín. Đồng thời, phải có thiết bị chống ruồi và côn trùng, thực hiện lưu mẫu theo đúng quy định... để đề phòng ngộ độc thực phẩm xảy ra cho nhiều người.
“Tổ chức đoàn thanh tra liên ngành thực phẩm chủ yếu là nhắc nhở cho các đơn vị, nhất là doanh nghiệp chú trọng hơn, quan tâm hơn đến bữa ăn của công nhân chứ không phải “vạch lá tìm sâu”. Sau mỗi lần thanh kiểm tra, các cơ sở đã chú trọng đến điều kiện vệ sinh ở nơi chế biến thực phẩm” (Ông NGUYỄN ĐÂY, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Quảng Nam) |
Theo thống kê nhanh, đã có 21 cơ sở được kiểm tra trong 2 tuần vừa qua, trong đó 9 cơ sở vi phạm (bị xử phạt 12 triệu đồng). Ông Nguyễn Cam – Chi cục trưởng ATVSTP Quảng Nam đánh giá: “Những vi phạm qua kiểm tra, thanh tra tuy đều không đáng kể nhưng thực tế vẫn rất nhiều cơ sở tái lặp đi lặp lại những quy định này. Về mặt hành chính chỉ xử lý nhắc nhở nhưng về lâu dài sẽ nghiêm minh hơn với những sai phạm trên”. Ông Nguyễn Cam cho biết thêm, công tác thanh tra hậu kiểm cơ sở thực phẩm được coi trọng và duy trì thường xuyên. Riêng quý 1, Ban chỉ đạo về ATVSTP của tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra 8.642/17.482 cơ sở, đạt tỷ lệ 49,4%. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các đoàn thanh tra đã tập trung vào bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai. Những vi phạm chủ yếu thuộc về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ. Thí dụ, sử dụng dụng cụ ăn uống làm bằng vật liệu không an toàn, không hợp vệ sinh, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ đối với các chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến sản phẩm…
Khu vực chế biến bánh liền kề khu vệ sinh tại một cơ sở. |
Không phải “vạch lá tìm sâu”…
Tại bếp ăn của Công ty May Tuấn Đạt (Tam Kỳ), ngay giờ chuẩn bị bữa trưa, đoàn tiến hành kiểm tra về thủ tục hành chính, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. 17 nhân viên trực tiếp nấu ăn của nhà bếp được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATVSTP định kỳ. Đây là một trong những đơn vị được trang bị đầy đủ nhất các phương tiện bảo quản thức ăn, đảm bảo an toàn bữa ăn cho công nhân sau nhiều lần được thanh kiểm tra. Ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Quảng Nam nói: “Tổ chức đoàn thanh tra liên ngành thực phẩm chủ yếu là nhắc nhở cho các đơn vị, nhất là doanh nghiệp chú trọng hơn, quan tâm hơn đến bữa ăn của công nhân chứ không phải “vạch lá tìm sâu”. Sau mỗi lần thanh kiểm tra, các cơ sở đã chú trọng đến điều kiện vệ sinh ở nơi chế biến thực phẩm. Bếp ăn của Công ty may Tuấn Đạt là một trong những đơn vị đã cải thiện rất nhiều về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân công sau nhiều năm”.
Ông Nguyễn Cam – Chi cục trưởng ATVSTP Quảng Nam cho biết, giao mùa tháng 4, tháng 5 thường là thời điểm vi sinh phát triển, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra, Tháng hành động VSATTP (triển khai đến ngày 15.5) đề ra mục tiêu siết chặt quản lý ở các bếp ăn tập thể. Nhiều nhà ăn, bếp ăn tập thể phục vụ hàng ngàn suất ăn cho công nhân, chính là nơi ẩn chứa nguy cơ ngộ độc tập thể nếu không đảm bảo vệ sinh. Trong Tháng hành động, các đoàn kiểm tra tập trung chấn chỉnh sai sót tại bếp ăn tập thể; tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng, người sản xuất sản phẩm, người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm làm đúng theo các quy định của pháp luật. Theo đó, muốn không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể thì phải đảm bảo 3 tiêu chí: nguồn thực phẩm đầu vào đảm bảo, khâu chế biến phải nghiêm túc và đầu ra an toàn. |
Theo quan sát của chúng tôi, khu nhà ăn của công ty đã được tách riêng hẳn so với khu sản xuất. Điều kiện trang bị đã có nhiều đầu tư hơn như sử dụng máy điện để nấu nướng thức ăn, không sử dụng than củi, than tổ ong. Tủ lạnh bảo quản thức ăn đúng quy định, khu vực nhà ăn tương đối sạch sẽ, sử dụng sản phẩm thịt có dán tem vệ sinh thú y. Bếp trưởng Trần Thị Thúy cho biết: “Qua nhiều lần kiểm tra và phổ biến kiến thức cũng như Luật An toàn thực phẩm, nhà ăn của chúng tôi thực sự rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn của công ty. Mỗi buổi trưa, chúng tôi phục vụ hơn 1.500 suất ăn, nếu có vấn đề về chất lượng sẽ gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe và năng suất lao động của công ty nên chúng tôi thực hiện rất kỹ càng, nghiêm túc”.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã thanh tra tại bếp ăn của Công ty Ô tô Trường Hải (Núi Thành). Đây cũng là đơn vị được đánh giá rất cao khi sử dụng hệ thống bếp ăn theo tiêu chuẩn ISO. Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó phòng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Viện Pasteur Nha Trang đánh giá: “Việc thành lập đoàn kiểm tra ngay tại đơn vị đã góp phần hạn chế tốt nhất vấn đề ngộ độc thực phẩm. Qua những ngày kiểm tra ở khu vực miền Trung, tôi cho rằng Quảng Nam đã làm rất tốt công tác phổ biến, triển khai chương trình hành động về VSATTP”.
ANH TRÂM