Bác Hồ với người dân vùng biên
Trong các chuyến công tác ở vùng biên giới Việt - Lào, chúng tôi đã góp nhặt được những câu chuyện xúc động về tình cảm của nhân dân Lào - Việt đối với Bác Hồ kính yêu.
.Thanh niên xã Ga Ry, huyện Tây Giang tìm hiểu về Bác Hồ qua sách báo. Ảnh: HẢI NGUYÊN |
Bác ở trong tim
Sau hành trình nhiều ngày cùng Đội Liên hợp cắm mốc Việt - Lào, từ vùng biên giới huyện Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) chúng tôi đến các huyện Đắc Chưng, Kà Lừm của nước bạn Lào. Khi đoàn ngang qua bản Tăng Ta Lăng của huyện Đắc Chưng (khu vực biên giới này có cột mốc 703, tiếp giáp giữa huyện Nam Giang, Tây Giang và bản Tăng Ta Lăng), một người đàn ông mặc bộ quân phục bộ đội đã bạc màu, tuổi chừng 50, nói tiếng Việt lơ lớ cùng đông đảo bà con dân bản niềm nở tiếp đoàn. “Trời chiều rồi, gặp các anh Bộ đội Cụ Hồ qua đây quý lắm. Mình đại diện bà con dân bản mời các anh vào thăm bản, thăm nhà mình” - người này nói. Đang thấm mệt sau chặng đường dài, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp đến lạ. Đoàn công tác theo chân người dân vào thăm bản. Khi qua chiếc cầu gỗ bắc ngang suối, người đàn ông bỗng dừng lại, chỉ tay về phía có ngọn núi cao nói: “Kia là đỉnh Tà Xiên, nơi giáp ranh với các làng A Pool, Bức của xã Ga Ry, huyện Tây Giang. Thời chiến tranh, nhân dân các làng hai bên biên giới Việt - Lào đã chọn ngọn núi này làm điểm gặp nhau để tổ chức lễ kết nghĩa anh em, lập lời thề một lòng theo tư tưởng Cụ Hồ”.
Trong căn nhà sàn rộng chừng 50m2 nằm giữa bản, người đàn ông dẫn chúng tôi đến nơi trang trọng nhất, nơi đây có treo bức di ảnh Bác Hồ. Chờ mọi người tụ tập đông đủ, người đàn ông giới thiệu về mình: “Mình tên Pim Xing, trước kia tham gia thanh niên xung phong ở Việt Nam. Sau hòa bình, mình về làm Trưởng bản Tăng Ta Lăng đến nay. Tấm di ảnh Cụ Hồ này là của đội vận tải bộ đội Việt Nam tặng mình năm 1973. Mình đã mang theo ảnh Cụ Hồ qua biết bao chặng đường thanh niên xung phong. Sau khi về Lào, mình vẫn giữ và thờ mãi cho đến nay. Bản mình có 65 hộ, tuy là người Lào nhưng nhà nào cũng thờ ảnh Cụ Hồ. Ở các bản khác như Tăng Noong, Tăng Dơi… bà con đều thờ ảnh Cụ Hồ”.
Tình cảm thiêng liêng dành cho Bác Hồ của người dân vùng ngoại biên không chỉ ở thế hệ người lớn tuổi, thế hệ trẻ hôm nay cũng dành cho Bác những tình cảm hết sức xúc động. “Mình là người trẻ, chỉ nghe người lớn kể về Cụ Hồ mà cảm nhận, nhưng mình rất quý trọng. Mình chỉ biết dân bản mình và các bản khác hôm nay có cái ăn, no đủ hơn là nhờ anh Bộ đội Cụ Hồ đem giống lúa của Việt qua và bày cách trồng, giúp bà con dân bản. Bác Hồ vẫn mãi trong tim bà con dân bản mình” - Xenmani Keo (20 tuổi, dân bản Tăng Ta Lăng) chia sẻ.
Một lòng hướng về Bác Hồ
Nói về tình cảm đối với Bác Hồ của bà con vùng biên, ông Pơ Loong Năng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm (Tây Giang) tâm tình: “Ở xã mình, gia đình nào cũng thờ di ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Hình ảnh của Bác đã khắc sâu trong tâm khảm của người dân vùng biên. Chúng tôi một lòng hướng về Bác, khắc ghi những lời Bác dạy. Hằng năm, dịp sinh nhật Bác, người dân địa phương lại tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe theo lời Bác dạy, gắn kết hơn nữa tinh thần đoàn kết cộng đồng, nguyện chung sức cùng lực lượng bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.
Ở xã Ch’Ơm (Tây Giang), gia đình nào cũng thờ di ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất trong nhà. TRONG ẢNH: Cựu chiến binh Alăng Prếch thắp hương tưởng nhớ Bác. |
Dành cho Bác Hồ những tình cảm thiêng liêng nên thời gian qua, bà con vùng biên giới Tây Giang đã tích cực hưởng ứng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bà con đã thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào và các cuộc vận động tại địa phương như cam kết không sinh con thứ ba trở lên, chăm lo làm kinh tế, không nghe theo lời kẻ xấu, chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới… Cựu chiến binh Alăng Prếch (thôn Ch’noóc, xã Ch’Ơm) nói: “Dù xa xôi, cách trở, nhưng từ khi cả nước phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hằng tháng, người dân ở Ch’noóc đều tập trung lại gươl để nghe các cán bộ lão thành kể chuyện về Bác Hồ. Những câu chuyện xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đã giúp cho bà con thêm hiểu, thêm yêu mến Bác hơn”.
Những ngày đầu Đồn Biên phòng Ga Ry mới thành lập, cơ sở vật chất còn hết sức đơn sơ, chưa có phòng làm việc, chỗ nghỉ ngơi sinh hoạt cho anh em cán bộ, chiến sĩ. Thế nhưng, nhờ sự tận tình giúp đỡ, đùm bọc của bà con vùng biên, các anh đã vững vàng trước khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Đối với bà con, hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn là một hình ảnh đẹp! Yêu thương người lính, ra sức giúp đỡ các anh hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ vững sự bình yên cho vùng biên cương, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia đó cũng là cách mà bà con vùng biên thể hiện lòng biết ơn, yêu mến Bác Hồ” - già làng Alăng Nhấp (thôn Da Dinh, xã Ga Ry) tâm tình.
Minh Hải - Nguyên Đoan