Xa lắm... Pêtapoóc
Làng Pêtapoóc (xã Đắc Pring, Nam Giang) nằm sát biên giới Lào và giáp với tỉnh Kon Tum. Cả làng chỉ có 9 hộ với 37 người gồm các dân tộc Giẻ Triêng, H’rê và Khơ Mú sống đùm bọc nhau nơi vùng đặc biệt khó khăn này.
Làng vắng người
Tờ mờ sáng, từ trung tâm hành chính xã Đắc Pring, các chiến sĩ biên phòng dùng xe máy đưa chúng tôi vượt rừng hơn 4 tiếng đồng hồ mới đến được Pêtapoóc. Cả làng có 9 nóc nhà nhưng vắng ngắt không một bóng người. Vừa gỡ những con vắt treo lủng lẳng trên cổ chân, Trung úy Cool Trung - cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đắc Pring cho biết giờ này bà con tập trung hết ở rẫy, cánh đàn ông thì đi săn thú, bắt chuột có khi đôi ba ngày mới về. Tiếp tục theo các chiến sĩ biên phòng lên rẫy cách đó nửa giờ đi bộ, người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Y Ngói. Dù mới ngoài 50 tuổi nhưng trông bà khắc khổ, già khọm. Bà Y Ngói cho biết đã ở đây gần 2 tháng không về nhà, phải lo giữ không cho thú rừng và lũ chim chóc phá hoại nguồn lương thực chính của dân làng. Ngước khuôn mặt đen nhẻm vì bồ hóng do ngồi gần bếp lâu ngày không tắm, bà nói: “Bọn thú rừng, chim rừng cũng đói nên chúng nó phá dữ lắm”.
Làng Pêtapoóc. |
Cánh đồng lúa rộng 2ha này do Đồn Biên phòng Đắc Pring cùng dân Pêtapoóc khai phá để trồng lúa nước và bắp, không giữ thú rừng vào phá thì cả làng sẽ rơi vào cảnh thiếu ăn. Cánh đồng chỉ có vài phụ nữ và đám trẻ con của thôn chăm bón, trông nom, còn lại đàn ông đều vào rừng hái lượm, săn bắt. Trong căn lều sơ sài lợp bằng tre, nứa đập dập, anh Un Thiên (con trai bà Y Ngói) đang ăn bữa trưa với canh lá sắn non đỏ quạch. “Ăn vội để đi rừng với Un Diên (Thôn đội trưởng Pêtapoóc - PV), con chó của nó chậm quá không đuổi được con chuột” – Un Thiên ngập ngừng nói. Trung úy Cool Trung tiếp lời: “Đi săn với Un Diên bao giờ về?”, Thiên khe khẽ: “Chưa biết”. “Bảo Un Diên về họp bàn làm nhà đại đoàn kết với cán bộ biên phòng”. Nghe vậy, Un Thiên bước ra khỏi lều chụm tay thành loa quanh miệng hú thẳng vào khu rừng trước mặt gọi Un Diên rồi bảo: “Tí nữa nó về”.
Chị Y Kiêng, “Trưởng thôn” Pêtapoóc thấy có khách nên tất tả về nhà chuẩn bị cơm trưa. Ở đây, cứ có đoàn công tác nào lên thăm là chị đều lo đón tiếp. Căn nhà của chị được đồn biên phòng hỗ trợ làm từ năm 2010 được cho là tươm tất, sạch sẽ nhất thôn nhưng từ trước ra sau đều trống hoác. Bên trong chỉ kê 3 chiếc giường làm từ ống tre nứa gác qua lại tạm bợ. Ở Pêtapoóc không có điện. Ti vi, báo đài là chuyện xa vời với người dân nơi đây. Ngoài 3 căn nhà gỗ do bộ đội biên phòng làm giúp, còn lại nhà dân toàn bằng tre nứa nhìn thấu trời xanh, cũng trống hoác, phần phật gió. Các gian bếp giữa nhà lạnh ngắt, lăn lóc vài cái xoong cũ mèm, ruồi muỗi bâu kín mấy hạt bắp thừa.
Bà Y Ngói: “Có ruộng lúa này là do bộ đội giúp khai phá ra đó”. Ảnh: T.K |
Quá trưa, Un Diên mới ở rừng về. Đôi chân tươm máu vì vắt cắn. Un Diên có khuôn mặt sáng sủa, dáng vẻ khôi ngô. Khi trao đổi với cán bộ biên phòng về chuyện làm thêm nhà đại đoàn kết cho bà con, Un Diên chỉ ậm ừ. Không biết chữ, lại ít giao tiếp với người ngoài nên Un Diên rất kiệm lời và tỏ vẻ lo sợ. Mà ở đây ngoài 4 người con của “Trưởng thôn” Y Kiêng có học hành tử tế thì còn lại tất cả đều mù chữ. Dù thi thoảng được cán bộ biên phòng dạy cho biết vài mặt chữ nhưng cũng không biết sử dụng vào việc gì.
Thôn chưa được công nhận
Năm 2009, Trưởng thôn Pêtapoóc là anh Kring Thôi qua đời vì tai nạn. Kring Thôi là chồng của Y Kiêng nên “chức” trưởng thôn chị phải kế thừa một cách tự nhiên. Năm 1998, khi những hộ dân này kéo nhau quay về lại quê cũ (Pêtapoóc) sau một thời gian sinh sống ở huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), xã Đắc Pring vẫn xem Pêtapoóc như một thôn của xã nên vận dụng trích ngân sách địa phương hỗ trợ chế độ phụ cấp cho các chức danh trưởng thôn, ban công tác mặt trận và thôn đội trưởng. Thế nhưng vào tháng 8.2012, xã Đắc Pring cắt mọi chế độ phụ cấp với lý do: thôn Pêtapoóc vẫn chưa được công nhận. “Trưởng thôn” Y Kiêng chua chát: “Kế toán của xã lên đây thông báo cắt hết chế độ. Bây giờ không còn chức trưởng thôn nhưng cũng phải làm. Đoàn tình nguyện, đoàn công tác nào đến Pêtapoóc cũng đòi gặp thôn trưởng, thôn phó, rồi mình tình nguyện lo chuyện ăn, lo chỗ ngủ”.
Theo ông Kring Giúp - Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring, sự hiện diện của nhóm dân cư ở Pêtapoóc đã có từ lâu đời, bản thân ông cũng xuất thân từ đó. Việc công nhận thôn Pêtapoóc là cần thiết bởi nơi vành đai biên giới, phên giậu của Tổ quốc cần có những người dân cần mẫn, chịu khó thường xuyên có mặt dọc biên làm tai mắt canh giữ chủ quyền. Và chỉ khi nào được công nhận là một đơn vị thôn thì công tác “phủ sóng” chính sách nhằm tạo lực đẩy, hỗ trợ quyền lợi chính đáng mới đến được với người dân Pêtapoóc. Hiện 9 hộ dân này vẫn khó có điều kiện giao tiếp với bên ngoài vì quá cách trở. Không điện, không trường, không có dịch vụ y tế thôn, bản. Và trăm sự sống còn của 37 người dân nơi đây đều trông vào sự năng động cưu mang của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring. |
Ông Kring Vây, người cao tuổi nhất làm cán bộ mặt trận thôn đã xuống tận trụ sở UBND xã Đắc Pring tìm hiểu lý do vì sao phụ cấp của thôn mình bị cắt thì được giải thích là do tỉnh, huyện cắt chứ xã không muốn bớt của dân. Bây giờ Y Kiêng khổ lắm, vắng bóng chồng nên một mình lo gánh vác cho 4 con ăn học. Cuối năm 2012 chị lại phải “cõng” thêm một đứa cháu ngoại (là con của Y Khánh - con gái đầu của Y Kiêng). “Nó đẻ xong là mang gói đi học đại học sư phạm ở Đà Nẵng để mai mốt về dạy chữ lại cho đám trẻ con của thôn. Nó chỉ mơ ước chừng đó thì mình phải nuôi con cho nó thôi” - Y Kiêng tâm sự. Suất hỗ trợ thôn trưởng của xã cũng chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng với chị và người dân ở Pêtapoóc là một số tiền rất lớn giờ đã bị cắt mất. Khổ là vậy nhưng chị vẫn phải bỏ ruộng, bỏ rẫy để lo chuyện của thôn.
Ông Kring Giúp - Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring xót xa khi nhắc đến cuộc sống và những thắc mắc của người dân Pêtapoóc. Khi còn làm chủ tịch xã, ông đã kiến nghị nên công nhận thôn Pêtapoóc trực thuộc xã do đường sá cách trở không thể nhập chung vào với thôn 48 (xã Đắc Pring) nhưng cấp trên không đồng ý. Không thể để người dân sống trong một làng vô chủ nên ông đã cân đối nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ và thành lập ra ban nhân dân thôn để bà con phấn khởi và cũng là để dễ quản lý. Đến năm 2012, sau nhiều lần thảo luận, huyện Nam Giang vẫn không công nhận thôn Pêtapoóc trực thuộc xã Đắc Pring, Phòng Nội vụ huyện thông báo và yêu cầu cắt mọi định suất hỗ trợ. “Dù ở đâu thì họ vẫn là dân của mình, không thể bỏ rơi họ được, vì thế tôi đã làm theo cái tâm chứ thực ra từ trước đến nay làm gì có văn bản nào chính thức công nhận thôn Pêtapoóc đâu” - ông Giúp nói.
Phóng sự của THÁI KHANG