Cải thiện chỉ số PCI
Tại hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 diễn ra hôm qua (15.5), nhiều giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao chỉ số PCI đã được đề xuất.
|
Khó khăn về giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất sạch... là một trong những nguyên nhân làm giảm chỉ số PCI. Ảnh: T.D |
Trên “thoáng” dưới không “thông”
Theo công bố PCI 2012, Quảng Nam xếp vị trí 15/63 tỉnh thành, tiếp tục được xếp vào nhóm tốt nhưng vẫn tụt 4 bậc so với năm 2011. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), chi phí không chính thức, đào tạo lao động và chi phí thời gian là những chỉ số tăng điểm. Trong khi đó, gia nhập thị trường, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và tính năng động lại bị giảm mạnh. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI, thành viên nhóm khảo sát PCI nhận định: Kết quả điều tra 120 DN Quảng Nam cho thấy vướng mắc lớn nhất nằm ở đất đai, thuế và vốn vay. Trong đó, 55% DN cho rằng đã gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, 27,17% gặp khó khăn về việc tiếp cận mở rộng mặt bằng kinh doanh, 30,85% cho rằng thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong hoạt động kinh doanh, 93,33% không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp…
Điều này thể hiện rất rõ khi tính minh bạch từ thứ hạng 4/63 tỉnh thành đã rớt xuống hạng 41/63 khi 69,09% DN cho rằng cần có mối quan hệ để có được các tài liệu cần thiết và 30,85% cho biết thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh. Việc tiếp cận đất đai còn khó khăn và tính ổn định trong sử dụng đất chưa được cải thiện nên từ thứ hạng 26 đã xuống 51/53 tỉnh thành và tính năng động cũng từ 18 xuống thứ hạng 48/63. Cũng tại cuộc điều tra này, 62,88% DN nhận định UBND tỉnh Quảng Nam đã rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN đầu tư, nhưng 20,69% DN lại cho rằng lãnh đạo tỉnh đã có những chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở cấp cơ sở và 57,30% DN cho rằng có những sáng kiến tốt ở cấp tỉnh nhưng khi thực thi ở các sở, ngành thì lại có vấn đề.
Chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cũng đã thừa nhận những yêu cầu chính đáng của DN chưa được đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề cải cách sẽ được tiến hành như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Giải pháp nào?
Ông Trương Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng chỉ số PCI đã giúp Quảng Nam nhìn rõ hơn về nền hành chính. Hạ tầng yếu kém, cơ chế chính sách điều hành thay đổi liên tục làm DN gặp khó. Muốn cải thiện chỉ số cần có giải pháp cụ thể sau đầu tư, tập trung đầu mối thông qua quy trình một cửa liên thông hoàn thiện và mở rộng những cuộc đối thoại định kỳ để thu nhận ý kiến DN. Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở TN-MT nói chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, có lợi cho dân thì khó cho DN. Điều này khó khắc phục, nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN thuê phải cẩn thận, không phải DN muốn là được. “Nếu DN nói khó tiếp cận đất đai, ảnh hưởng tới chỉ số này thì cũng vẫn phải chấp nhận để khỏi thất thoát tài nguyên và nhiều rắc rối về sau” - ông Công thẳng thắn.
Tự soi mình Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, chính quyền băn khoăn trước những chỉ số bị tụt hạng. Những góp ý của cộng đồng DN sẽ giúp tỉnh soi mình, năng động hơn để thay đổi và cải thiện môi trường đầu tư. Những tồn tại sẽ được mổ xẻ, phân tích, thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, DN và nâng cao mức sống của người dân; không để DN đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác. Nâng cao chỉ số PCI, soi lại mình, nâng cao chất lượng điều hành vì Quảng Nam phát triển là việc quan trọng để cải thiện hình ảnh địa phương. Sắp tới, Quảng Nam sẽ ban hành chỉ thị về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN và nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI để cùng DN thực hiện. Đây là điểm chứng minh rằng chính quyền tỉnh luôn sát cánh, đồng hành với DN. |
Hầu hết DN tham dự hội nghị phân tích chỉ số PCI năm 2012 đều muốn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, thực hiện cơ chế một cửa liên thông và công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư. Cần tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như duy trì cơ chế đối thoại giữa chính quyền và DN. Trong một góc nhìn khác về chỉ số PCI, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Khu phức hợp ô tô Trường Hải - Chu Lai cho biết: Sự gia tăng nhà máy sản xuất và công nghiệp hỗ trợ tại Khu Kinh tế mở Chu Lai từ 1 lên 20 đơn vị thì không thể nói Quảng Nam không có môi trường đầu tư tốt được. Vấn đề chính là sự chồng chéo chính sách giữa các bộ, ngành Trung ương cần được giải quyết nhanh chóng để thúc đẩy phát triển. Nếu DN chỉ đòi hỏi mỗi khi gặp khó khăn thì không thể phát triển được. “Chính quyền cần xem xét và hài hòa lợi ích giữa dân - nhà đầu tư - nhà nước, xem lại hiệu lực hành chính từ tỉnh đã giảm dần xuống cơ sở. Giải quyết được điều này phụ thuộc rất nhiều vào tư duy lãnh đạo, quản lý và tư duy quản trị của doanh nghiệp” - ông Tài nói.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Tổng Giám đốc Indochina Capital cho rằng, văn bản pháp luật thay đổi liên tục, DN khó có thể nắm bắt hết được nên rất cần cơ quan thuế hỗ trợ, kiểm tra, hướng dẫn để họ làm tốt hơn. Một căn bệnh “trầm kha” nhiều năm không giải quyết nổi vẫn là chuyện “trên bảo dưới không nghe”. “Một khi tạo lập sự công bằng cho các nhà đầu tư, hoàn chỉnh các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng để có một quỹ đất sạch, cải thiện thể chế, chính sách thông thoáng… để kêu gọi đầu tư thì Quảng Nam sẽ nhanh chóng trở thành một tỉnh giàu” - ông Ninh nói.
Trịnh Dũng