Đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013: Bất ngờ với xu hướng chọn trường
Mùa tuyển sinh đại học 2013 chứng kiến nhiều bất ngờ khi học trò Quảng Nam tỏ ra khá chuộng những ngành tưởng đã “hết thời” là sư phạm và nông lâm khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng đáng kể.
|
Thủ khoa đại học và thí sinh đạt điểm cao trong kỳ tuyển sinh năm 2012 được UBND tỉnh khen thưởng.Ảnh: X.PHÚ |
Ưu tiên chọn trường gần
Ông Lê Đình Dưỡng - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GDĐT cho biết, tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2013, Quảng Nam có hơn 34,4 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó hơn 28,5 nghìn dự thi ĐH. Các trường ở miền Trung được phần lớn học trò đất Quảng lựa chọn với gần 30 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó, các trường ở TP.Đà Nẵng có 14,3 nghìn hồ sơ đăng ký, Huế 5,7 nghìn và Quảng Nam hơn 5 nghìn. Đây là xu thế chung lâu nay và năm nay tiếp tục được các thí sinh quyết định lựa chọn bởi trường gần nhà sẽ giúp các em học tập thuận lợi, đỡ tốn kém; đồng thời tránh những cuộc đua tranh gay gắt ở các trường tốp trên.
Điều đáng chú ý, mùa tuyển sinh năm nay, số lượng học sinh Quảng Nam đăng ký dự thi vào 2 ngành tưởng đã “hết thời” là sư phạm và nông lâm lại gia tăng đáng kể. Đánh giá về tình hình đăng ký dự thi ĐH của học sinh Quảng Nam năm nay, ông Lê Đình Dưỡng cho rằng, việc tăng số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành sư phạm, nông lâm làm nhiều người ngạc nhiên dù dự báo nhu cầu việc làm của các ngành này trong những năm đến là rất lớn. Trong khi đó, nhóm ngành kinh tế, bách khoa giảm không phải là điều gì bất ngờ bởi thời gian qua, nhu cầu về nguồn nhân lực ở ngành này đã bão hòa, không ít người tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm. Điều này cũng cho thấy mối quan tâm của học sinh hiện nay là chọn ngành học nào để sau này dễ kiếm công ăn việc làm.
Ngành xã hội vẫn mất sức hút
Những năm trước đây, khi các nhóm ngành kinh tế, tài chính lên ngôi cũng đồng nghĩa với việc học sinh không còn mặn mà với các ngành khoa học xã hội. Đối với học sinh giỏi lại càng không, khi hầu hết lựa chọn các ngành ngoại thương, kinh tế, ngân hàng, y tế làm mục tiêu để chinh phục. Một con số thống kê cho thấy rõ nhất điều này là trong tổng số 33,4 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012 của học sinh Quảng Nam, khối A, A1 chiếm gần 18 nghìn hồ sơ, khối B hơn 7,6 nghìn và khối D hơn 5 nghìn trong khi khối C chỉ có 1,8 nghìn, ít hơn cả khối năng khiếu (như âm nhạc, mỹ thuật, TDTT…) với gần 2 nghìn hồ sơ. Năm nay, dù nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật có sụt giảm nhưng khối A và A1 vẫn chiếm đến gần 16 nghìn trong tổng số 34,4 nghìn hồ sơ cả tỉnh, trong khi khối C vẫn khiêm tốn với hơn 1,6 nghìn hồ sơ. Đây không chỉ là đặc điểm riêng của học trò Quảng Nam mà là thực trạng chung của cả nước hiện nay. Nhiều trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn hay các ngành xã hội của các trường ĐH những năm gần đây thường xuyên đối mặt với tình trạng tuyển sinh khó khăn nên dù phải xét tuyển đến nguyện vọng 2, thậm chí vận dụng cả quy định “mở” của Bộ GDĐT vẫn không đủ chỉ tiêu. Vì vậy, không riêng gì với các trường tư thục, cứ đến mùa tuyển sinh là các trường công lập có truyền thống vẫn phải “khăn gói” đến các địa phương để “tiếp thị” hình ảnh của đơn vị mình với giáo viên, học sinh trường THPT.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Phan Châu Trinh, hiện nay các trường ĐH mở ngành khoa học xã hội để đào tạo là gánh lấy khó khăn. Cũng dễ hiểu khi mà thực tế những người được đào tạo ngành khoa học xã hội ra trường khó tìm kiếm việc làm, thu nhập lại thấp nên rất ít học trò chọn theo học ngành này. Khi Bộ GDĐT chủ trương mở chuyên ban trong trường THPT, hầu hết ban C của các trường đều biến mất sau thời gian èo uột. Ngay cả tại những trường THPT chuyên, nhiều học trò chuyên Văn, Sử hay Địa vẫn không chọn cho mình khối C để thi ĐH. Thầy giáo Nguyễn Đình Tiến - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, nhiều học trò chuyên Văn nhưng cuối cùng lại thi đại học khối A hoặc khối D chứ không đi đúng chuyên ngành mà các em đang học tại trường, gây nên sự lãng phí lớn. Điều này cũng đã một phần giải thích nguyên nhân ngành khoa học xã hội hiện nay đang bị mất sức hút.
Ngành sư phạm, nông lâm "hút" thí sinh Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, học sinh Quảng Nam đăng ký dự thi vào trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có 5.130 hồ sơ (tăng 416 hồ sơ so với năm 2012), vào trường ĐH Sư phạm Huế 632 hồ sơ (tăng 222), trường ĐH Quảng Nam 6.578 hồ sơ (tăng 900 hồ sơ). Trong đó dự thi vào ngành sư phạm chiếm hơn 5 nghìn hồ sơ. Ngoài ra, còn có thể kể đến trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng với 1.900 hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 300 hồ sơ. Với những con số này, rõ ràng không còn chuyện “chuột chạy cùng sào…” như trước đây nhiều người thường ví von về ngành học sư phạm. Năm nay, học sinh Quảng Nam cũng tỏ ra khá mặn mà với ngành nông lâm khi có 2.203 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường ĐH Nông lâm Huế, tăng 600 hồ sơ so với mùa tuyển sinh 2012. Ngoài ra, ngành y tế cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ với 1.821 hồ sơ vào trường ĐH Y Huế (tăng 600 so với năm 2012), trường CĐ Y tế Quảng Nam 1.447 (tăng 440) và trường CĐ Kỹ thuật y tế 2 Đà Nẵng 1.019 (tăng 175). Ngược lại, các nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật giảm khá nhiều; trong đó trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sụt giảm hơn 422 hồ sơ còn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng giảm hơn 1 nghìn hồ sơ so với năm 2012 (5.033 so với 6.088 của năm 2012). |
TƯỜNG VY