Đi ra từ cụm bản
Ở hai huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang, ít ai biết được, ngoài đồng bào Cơ Tu bản địa còn có người Cơ Tu đến từ các bản vùng biên của nước bạn Lào di cư sang sau ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng. Chính những con người này đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu nơi miền tây đất Quảng.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam tặng quà nhân dân các cụm bản của Lào ở bên kia biên giới.Ảnh: BRIU QUÂN |
Người Lào di cư
Bác sĩ Pơloong Lới (công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang) kể, gia đình anh vốn là người Lào, anh em đều sinh ra tại cụm bản Bha Lêê ở khu vực biên giới Lào. Thời chiến tranh, nhiều cụm bản nằm khép mình theo các sườn núi tây Trường Sơn, dưới thung lũng, chạy nay đây mai đó tránh bom của Mỹ. Bản ít khi gặp được người bên ngoài vào, thỉnh thoảng có bộ đội Việt Nam hành quân ngang qua rồi mất hút. Lúc đó, bản được báo trước là anh em Việt Nam giúp bản đánh Mỹ nên nhân dân trong bản rất quý Bộ đội Cụ Hồ.
Dù đã lớn tuổi, Pơloong Lới vẫn miệt mài với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có những bệnh nhân đến từ cụm bản mà trước đây anh đã sinh ra và lớn lên. Em ruột của anh, Pơloong Liếc trước đây cũng sinh ra tại Lào, sau đó cũng di cư sang. Pơloong Liếc giờ là bác sĩ chuyên khoa dược, cũng làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang. Có lần hàn huyên với ông Pơloong Críp - nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Bha Lêê (huyện Tây Giang), ông cho biết, đa số người Lào di cư sang sau ngày giải phóng được người dân bản địa đùm bọc, giúp đỡ. Sau này, có những người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã và huyện, bản thân ông cũng vậy. Nhiều thôn văn hóa hiện nay đa số các hộ Cơ Tu có nguồn gốc đến từ các cụm bản của Lào. Ông Pơloong Críp còn cho hay, Bha Lêê vốn là tên một cụm bản của nước bạn Lào. Sau giải phóng, nhiều hộ dân sinh sống dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào di cư sang các xã lân cận của huyện Tây Giang và xuống trung tâm Azứt lập thành xã Bha Lêê, các thôn Đh’rôông (Đông Giang), Tà Vàng, A Ching (Tây Giang)...
Giữ văn hóa làng
Ở miền núi tây Quảng Nam, các thôn văn hóa Đh’rôông (Đông Giang), Tà Vàng, A Ching (Tây Giang) đã quen thuộc với du khách yêu thích văn hóa bản địa có điệu tâng tung da dá trong lễ hội đâm trâu, dệt thổ cẩm, đan lát, mùa ẩm thực Cơ Tu... Tại các thôn trên, chủ yếu là nhân dân Cơ Tu trước đây đến từ các cụm bản Lào sang định cư và mang theo tên của bản cũ đặt cho thôn mới. Mỗi mùa lễ hội, người Cơ Tu “gốc Lào” thường để lại cho người xem nhiều tiết mục văn hóa truyền thống đặc sắc.
Văn hóa là cái gốc để duy trì sự đoàn kết vững chắc trong cộng đồng làng. Bởi vậy, trong các thôn, đồng bào Cơ Tu bản địa và Cơ Tu “Lào” cùng chung tay giữ gìn đường làng ngõ thôn luôn sạch đẹp, xây dựng gia đình văn hóa. Ông Zơrâm Chôi (Bí thư Chi bộ thôn Tà Vàng, huyện Tây Giang) cũng là người vốn sinh ra tại bản Tà Vàng ở bên kia biên giới, thuộc nước bạn Lào. Ông cho biết, thôn Tà Vàng của Tây Giang hiện có 81 hộ, đa số là người Cơ Tu di cư từ Lào sang. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng đồng bào ở đây quyết tâm giữ văn hóa Cơ Tu để không bị mai một. Để được như vậy, ngoài quy định chung của huyện, thôn vẫn có quy định riêng cho các hộ thực hiện nên nhà nào cũng thi đua giữ gìn văn hóa.
Về Tà Vàng hôm nay, nhìn con đường dẫn vào thôn, nhiều người vẫn cảm nhận được nét riêng của thôn văn hóa Tà Vàng so với các thôn bản khác. Đây là thôn đầu tiên của huyện Hiên trước đây, nay là huyện Tây Giang, được công nhận thôn văn hóa cấp tỉnh (năm 1998). Hay như thôn AJiốc, xã Bha Lêê nằm ngay trên trục đường lên trung tâm huyện Tây Giang. Người Cơ Tu trong thôn cũng phần lớn là từ Lào sang nên từ văn hóa nói, sinh hoạt, kiến trúc nhà ở cũng mang dáng dấp của người Lào. Từ con đường chính rẽ vào các nhà, chỗ nào cũng được bê tông hóa sạch đẹp, nhà cửa được dựng khang trang, hàng quán mọc lên phục vụ người dân. Với vẻ đẹp tự nhiên của cảnh vật, sự mến khách của con người nơi đây, nên AJiốc ngày nào cũng có du khách đến tham quan, khám phá cuộc sống mới lạ, nhất là du khách nước ngoài.
Xóa nhòa khoảng cách
Việt Nam - Lào vốn có truyền thống đoàn kết keo sơn, cư dân sống dọc biên giới Tây Giang - Kà Lừm luôn xem nhau như anh em một nhà, cùng chung tay giữ gìn an ninh biên giới, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Huyện Tây Giang dù còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng hàng năm vẫn dành kinh phí để mua gạo, muối, thuốc men,... hỗ trợ nhân dân các cụm bản của Lào ở bên kia biên giới. Ngoài ra, các xã giáp ranh với các cụm bản Lào cũng cam kết giúp đỡ nhân dân bạn trong việc thu mua sản phẩm đầu ra, hỗ trợ phát triển kinh tế. Giúp bạn chính là giúp ta, vì phần lớn nhân dân từ Lào di cư sang đều còn có anh em họ hàng ở bên kia biên giới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc xúc tiến khai trương mở cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm (huyện Tây Giang) sẽ tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới có cơ hội giao thương, trao đổi hàng hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Từ hôm nay, bộ mặt nông thôn biên giới nơi đây hứa hẹn một sự đổi thay, xóa nhòa khoảng cách xa nhau về địa lý. Người Cơ Tu đã từng di cư từ Lào sang thuận lợi hơn khi muốn về thăm lại mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
BRIU QUÂN