Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn
Sông Tranh là nhánh chính của sông Thu Bồn, mà sông Tranh lại bắt nguồn ở vùng chân núi Ngọc Linh - Nam Trà My - nên có thể gọi vùng này là nơi đầu nguồn của sông Thu Bồn.
Trong chiến tranh, tôi đã từng ở vùng này. Đây là vùng núi rừng trùng điệp, nhiều vực thẳm, sông suối; giáp ranh giữa 3 tỉnh Kon Tum - Quảng Nam - Quảng Ngãi. Đồng bào ở đây vốn có truyền thống cách mạng. Thời chống Pháp, địch từ Kon Tum nhiều lần đánh sang hòng gom dân lập “gum” để tiến xuống vùng xuôi tấn công cách mạng. Nhân dân đã theo Đảng (do những cán bộ thượng du vận phát động) đứng lên phá nát gum tề. Đa số đồng bào ở đây (Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong) lấy họ Hồ, họ của Bác Hồ làm họ của mình. Chính vì thế, cuối năm 1959, Khu ủy khu 5 đã xây dựng vùng căn cứ ở đây gồm Tắc Pỏ - Nước Là - Ngọc La, còn gọi là Mật khu Đỗ xá. Tại đây Khu ủy đã triển khai Nghị quyết 15, chuyển phong trào từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang. Tháng 4.1960, tại căn cứ này, Liên khu ủy 5 họp hội nghị mở rộng kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết 15. Tại hội nghị này, sau khi so sánh tương quan lực lượng, thế và lực giữa ta và địch, thấy có nhiều khả năng thuận lợi cho ta nên Khu ủy quyết định: Mạnh dạn phát động quần chúng ở căn cứ miền núi, tập trung chống địch càn quét; đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa miền núi, khôi phục và phát triển phong trào đồng bằng, chú ý công tác đô thị. Nơi đây là nơi bắt đầu tiếp nhận lực lượng cán bộ và bộ đội từ miền Bắc bổ sung vào để xây dựng các ban ngành và lực lượng vũ trang. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được thành lập tại đây. Vừa mới ra đời, lực lượng vũ trang của ta đã đánh thắng cuộc càn quét quy mô lớn của địch với 3 sư đoàn đánh vào Mật khu Đỗ Xá năm 1963. Nơi đây đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2008. Có thể nói đây là cái nôi của cách mạng khu 5 trong thời kỳ chống Mỹ.
Ngày đầu tiên đặt chân đến chiến trường khu 5, tôi đã được đưa về Nước Ta, xã Iếp (nay là xã Trà Dơn, Nam Trà My). Ở đây tôi tham gia phát rẫy và trồng sắn suốt 3 tháng. Từ đây, chúng tôi xuống vùng giáp ranh để cõng gạo, muối do khu cấp hay ngược lên Kon Tum, dùng muối, mì chính đổi sắn bắp của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây, nhà báo Đinh Thành Lê đã coi tôi như đứa em nhỏ, chỉ cho tôi cách đãi gạo để khi nấu cơm khỏi bị sạn, chỉ cho tôi từng loại rau, thứ nào ăn được, thứ nào không ăn được và chính anh khuyến khích tôi sáng tác văn học. Lúc đó, anh đã có bài thơ “Quảng Ngãi mùa xuân” và bút ký “Ở một đoạn đường dây” đăng trên báo văn nghệ miền Bắc và dự định lấy tài liệu để viết tiểu thuyết về sông Tranh mà anh ấp ủ lâu nay. Đinh Thành Lê đã ngã xuống trên sườn dốc Ba Rẫy (Quảng Ngãi) vào tháng 7.1970 trong một lần đi cõng gạo bị địch phục. Ở đây, nhà thơ Nguyễn Mỹ - tác giả bài thơ nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ” - đã tham gia sản xuất và viết những bài ca dao vận động sản xuất, vận động quân ngụy bỏ súng về với cách mạng. Anh ngã xuống ngày 16.5.1971 bên sườn đồi cạnh dòng suối Nước Ta.
Mới đó mà đã 45 năm trôi qua. Hôm nay tôi lại được đặt chân lên vùng đất Nam Trà My. Bước chân vừa rạo rực vừa bịn rịn như vừa nghe có tiếng ai đó từ thẳm sâu năm tháng gọi về. Cái cảm giác đầu tiên ùa vào lòng tôi như một cơn gió mát giữa trưa hè nóng nực là sự thoáng đãng của con đường nhựa mà mình đang bước. Đó là con đường Nam Quảng Nam nối từ thị trấn Trà My lên Tắc Pỏ, lên sát huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Ngày kháng chiến, đây là con đường giao liên mảnh như sợi chỉ, chỉ vừa đủ một người vừa đi vừa phát lau lách vỗ vào mặt, vào người rát rạt. Mỗi bước đi là mỗi bước chân rướm máu bởi vắt, ruồi vàng bâu theo cắn. Khổ nhất là lúc cõng nặng, vượt dốc vừa đi vừa thở, thỉnh thoảng lại phải cúi xuống tóm lũ vắt. Thế đã sướng rồi. Muốn vào thôn, nóc đồng bào dân tộc chỉ có nhắm hướng rồi cầm con rựa vừa đi vừa phát, làm gì có đường. Tới năm 1978, ta mới mở đường ô tô, chỉ là đường rải đá, từ Trà My lên Tắc Pỏ để khai thác gỗ, quế và con đường ấy cũng chỉ mới đến Tắc Chanh, cách Tam Kỳ 105km, còn đoạn trên chưa có đường. Ngày ấy xe chở gỗ nặng, đi nhiều nên đường mau hỏng, có đoạn qua thác 5 tầng xe chạy chồm chỗm như điệu nhảy tăng gô nên cánh lái xe gọi là Dốc Tăng Gô. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm cùng đi với tôi kể rằng, tới năm 1988, anh cùng với anh Bảy Nùng và anh Sơn Ca, nguyên là 2 cán bộ lãnh đạo huyện Trà My lên Trà Don, Trà Nam không có đường, phải vừa đi vừa phát lau lách. Tới năm 2003, khi chia tách huyện Nam - Bắc Trà My, con đường mới được nâng cấp thành đường cấp phối rồi đường nhựa, chạy suốt từ Trà My đến Tu Mơ Rông, Kon Tum.
Từ con đường chính này mọc ra những con đường nhỏ rải nhựa, lát bê tông như những mạch máu chảy về trung tâm các xã, có khi đến tận những thôn, nóc xa ngái. Có đường là có cầu. Những cây cầu treo, cầu đúc bê tông bắc qua hai bờ sông Tranh, qua những con suối lớn. Vào năm 1969, khi tôi mới vào Ban Tuyên huấn khu 5, sản xuất ở Nước Ta, nhiều khi đi cõng gạo ở sông Giang (Quảng Ngãi) về cũng nhiêu khê lắm, vừa lội qua sông Tranh lại lội qua Nước Ta. Mùa nắng, nước cạn còn dễ, chứ mùa mưa, sông Tranh và Nước Ta nước lớn, chảy xiết lắm. Chúng tôi phải dùng ny lon bọc gùi gạo bơi qua dòng sông hung dữ. Biết bao anh chị em đã bị nước cuốn trôi. Bây giờ, từ con đường Nam Trà My rẽ về xã Trà Dơn có một chiếc cầu treo và một cây cầu đúc bê tông bắc qua sông Tranh và Nước Ta. Xe mô tô, ô tô qua lại dễ dàng.
Có con đường, có cầu là có những khu nhà mọc lên. Ở trung tâm các xã, những ngôi nhà của UBND và các cơ quan khác với tường xây, mái lợp tôn giả ngói, cao đến 2 tầng khang trang. Tiếp đến là những khu nhà của công nhân lâm nghiệp, công nhân làm đường và những thôn nóc của người dân tộc từ tít trên núi du di giờ dời xuống ở gần đường. Các ngôi nhà ở đây là nhà trệt, tường gạch, mái lợp tôn hoặc ngói xi măng xám. Bên cạnh ngôi nhà gạch, bà con dân tộc còn cất thêm ngôi nhà sàn gỗ để ở. Tất cả những khu nhà ấy tạo thành những khu dân cư sầm uất tại các trung tâm xã. Các cửa hàng được mở ra bán đủ thứ hàng ở miền xuôi đưa lên như quần áo, giày dép, mũ nón, mì chính, nước mắm, bánh kẹo… và những món hàng vốn là sản vật địa phương như quế, sâm Ngọc Linh, mật ong. Ngay trên khu rẫy Nước Ta của chúng tôi ngày xưa cũng có 2 khu nhà của công nhân và của bà con dân tộc từ núi cao dời xuống, nằm sát con đường nhựa liên xã Trà Dơn - Trà Len, chạy ngang qua rẫy cũ. Nhà nhà ở đây đều có điện. Bà con sắm ti vi, quạt máy. Đêm đêm trẻ con quây quần bên ngọn đèn sáng giữa nhà học bài, người lớn ngồi đan cót để chuẩn bị mùa thu hoạch lúa.
Một sức sống mới bừng lên từ các con đường. Ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói với tôi: “Nhờ có những con đường mà các thôn, nóc về gần với xã, các xã gần với huyện, huyện gần với các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi. Sắp tới chúng tôi sẽ ký kết trao đổi hàng hóa với nhau, thông tới tận Nam Lào. Có đường là có tất cả”.
(Còn nữa)
Bút ký của THANH QUẾ