Khát vọng trường chuẩn
Ở nơi “cổng trời” nghèo khó như huyện Tây Giang, hành trình dạy và học rất gian nan. Thế nhưng, các thầy cô giáo ở trường Tiểu học xã Lăng vẫn lặng lẽ nuôi giấc mơ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, bù đắp một phần thiệt thòi cho học trò vùng cao…
Vượt khó
Nhìn vào “mặt tiền” của trường Tiểu học xã Lăng nhiều người trầm trồ khen. Phòng học thông thoáng, trang trí đẹp. Tường rào, cổng ngõ xây dựng khá khang trang, kiên cố. Trong khuôn viên nhà trường còn có thư viện với nhiều đầu sách, báo các loại. Nhìn các em mặc đồng phục trong giờ học chẳng khác gì học sinh thành phố. Địa điểm của trường vốn trước đây là nơi làm việc của Phòng GDĐT huyện. Trường có 2 cơ sở với tổng số 203 học sinh, chủ yếu là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Hai điểm trường có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 100% có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, trong đó 40% đạt trên chuẩn. Cô giáo Lương Thị Tuyết Nhung - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Lăng nhớ lại: “Cách đây không lâu, đường sá chưa mở nên việc học tập của con em đồng bào rất khó khăn. Các thầy cô vì yêu nghề, thương trẻ nên ai cũng cố gắng trụ lại. Những ngày đầu, học sinh đi học không nhiều, không đều như bây giờ, thầy cô phải thay nhau đến từng gia đình động viên các em”. Để có được ngôi trường khang trang đẹp đẽ như hôm nay, các thầy, cô giáo và người dân phải cõng từng viên gạch, bao xi măng... về xây dựng nên.
Thầy và trò trường Tiểu học xã Lăng vượt khó, nâng cao chất lượng dạy - học, đạt các tiêu chí trường chuẩn.Ảnh: HỮU PHÚC |
Cô giáo Thanh, người đã gắn bó với ngôi trường này hơn 8 năm, bộc bạch: “Hồi mới nhận quyết định lên đây, cuộc sống sinh hoạt của giáo viên cắm bản nhọc nhằn lắm. Ngày ấy cái gì cũng không có, không nước sạch, không điện, không ti vi, báo chí. Chúng tôi chỉ biết làm bạn với cây rừng và các em học trò thơ ngây. Có lần về dưới xuôi định không lên nữa, nhưng rồi lại thấy nhớ những đôi mắt đợi trông của học trò, chúng tôi không đành lòng. Nhìn vẻ mặt sung sướng của học trò vùng cao khi thấy mình trở lại trường mà thương trào nước mắt!”. Thầy Đỗ Quốc - Hiệu trường nhà trường chia sẻ, vì yêu trẻ, nhiều cô giáo chấp nhận nỗi buồn, sự xa cách với gia đình người thân, chịu thiệt thòi so với các đồng nghiệp khác để bám trụ tại đây. Điều làm cho thầy cô giáo giữ được “lửa” với nghề là nhiều năm trường không có học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao hơn nhiều nơi khác.
Khát vọng trường chuẩn
Cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền địa phương phối hợp với ngành giáo giáo dục kiểm tra các tiêu chí đạt chuẩn tại trường Tiểu học xã Lăng. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhà trường đã đạt được 5/5 tiêu chuẩn theo Thông tư 59/2012/TT-BGD ĐT, ngày 28.12.2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Đoàn kiểm tra đã làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. |
Cơ sở vật chất nhà trường được trang bị đầy đủ, phục vụ tốt cho việc dạy và học. Các phòng học, phòng chức năng được trang trí sạch đẹp, có điện chiếu sáng, được trang bị cửa kính và có rèm che, giúp học sinh tập trung học tập không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. Học sinh có điều kiện tiếp cận kiến thức chuyên môn, phát triển kỹ năng sống, mạnh dạn bày tỏ ý kiến. Ngoài các tiết học chuyên môn theo chương trình, học sinh còn được tham gia các buổi học ngoại khóa ngoài trời, tìm hiểu thiên nhiên, truyền thống địa phương. Nhà trường đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, dần hạ thấp tỷ lệ học sinh yếu kém. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Giáo viên của trường đều ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào giảng dạy bộ môn của mình. Theo thống kê, đến nay, nhà trường có 5/18 giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi cấp huyện (chiếm tỷ lệ 27,8%). Giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường 11/18 (hơn 61%). Mỗi giáo viên dạy giáo án điện tử 1 tiết/tháng ở những điểm có điều kiện. Ngoài ra, giáo viên còn tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, thảo luận chuyên đề nhằm tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng học sinh.
Thầy Đỗ Quốc vui mừng nói: “Thời điểm này, những tiêu chí của một trường chuẩn quốc gia mức độ 1, nhà trường đều đảm bảo, chỉ chờ cấp trên công nhận. Người dân thấy ngôi trường của chúng tôi khang trang bề thế cũng vui lắm. Có trường đạt chuẩn, con em đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện học hành tốt hơn”. Ngoài cơ sở vật chất, việc nâng cao chất lượng dạy - học luôn được trường quan tâm. Nhà trường không ngừng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các chuyên đề, hội thảo... Đặc biệt quan tâm chăm sóc học sinh, lựa chọn giáo viên phù hợp để phân công kèm cặp, bồi dưỡng từng em. Giáo dục tình thương cho học trò qua các hoạt động giúp đỡ bạn nghèo học tốt, nhằm tạo nên một môi trường học tập đồng đều. Các thầy cô giáo tự nguyện đăng ký nâng đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học tập tốt…
BÍCH HẠNH