Nếu như có tiền…

MỘC MIÊN 13/05/2013 09:04

Nói về nạn ma túy ở Bình Trị, ông Nguyễn Hữu Hiệp - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhớ lại: “Trước đó đã có, nhưng căng thẳng bắt đầu vào năm 1997. Lúc đó báo Văn Hóa có viết bài phản ánh, nhưng thực ra họ lấy thông tin từ mỏ vàng nào đó ở Phước Sơn rồi áp vào Bình Trị chứ làm chi có như rứa, dù rằng Bình Trị lúc đó đã có ma túy. Cũng chính vì thế, tôi quyết định cho đánh sập hết mấy hang hố làm vàng khu vực này”.

Đi làm vàng, chích ma túy rồi mang về quê, dính HIV rồi bị chuyển sang  AIDS, lại thêm những tin đồn gái mại dâm dính HIV, chán đời nên “tình cho không biếu không” khiến lắm anh ở quanh chợ Vinh Huy lúc đó xanh mặt. Chưa hết, tiếp liền mấy năm sau đó, có 16 người chết không rõ nguyên nhân, mà sau đó được xác định là bị bụi phổi khi khoan đá làm vàng… Tất cả khiến cái tên Bình Trị thường xuyên xuất hiện trên báo. “Dồn dập anh nghe” - anh Thái Tấn Ân, thôn Vinh Đông xã Bình Trị kể - “Tôi nhớ năm 2003 - 2004, bị dính ma túy rồi chết là 32 người, mà người chết chủ yếu là đàn ông đã có gia đình nhưng còn khá trẻ. Như tôi đây 2 đứa cháu gọi là chú, 1 đứa em, chết vì ma túy. Đau đớn lắm! Chính vì thế, khi hội phụ nữ phát động lập Câu lạc bộ (CLB) Đồng Cảm, nhiều anh em tự nguyện tham gia ngay và họ bầu tôi làm chủ nhiệm CLB”. “Anh có chơi ma túy không?”. “Không. Nhưng nghĩ tham gia CLB để chia sẻ tâm tư với những người bị nghiện ma túy lẫn người thân của họ là điều hay nên tôi tham gia”. Tham gia với tinh thần tự nguyện, những con số hội viên tăng dần từ 25 lên 52 người, nay còn 49 người. “Vợ, con, cha mẹ anh em người có HIV tham gia là chính. Vào đây họ được chia sẻ, truyền đạt kiến thức về phòng chống HIV/AIDS. Đa số hội viên là phụ nữ có chồng con bị ma túy rồi chết, nên khi tham gia, họ được hội phụ nữ cho vay vốn làm kinh tế, ổn định cuộc sống. Hồi đó có 30 trường hợp được cho vay với tổng số tiền 120 triệu đồng, nay đã hoàn vốn. CLB hoạt động sôi nổi từ năm 2007 đến 2011. Bây giờ có khi cả quý mới họp, bởi nhiều người không còn mặn mà nữa. Tiền tài trợ, vốn vay không còn nữa, nên nhiều người nản, chuyển đi làm ăn xa hết”.

Anh Ân liệt kê một loạt những gia đình mà chồng đã bỏ mạng vì ma túy, để lại con dại cho vợ, nhà nào cũng 2 đến 3 đứa con. Bi kịch do ma túy mang lại, có lẽ khỏi nói nhiều, điều có thể lưu tâm ở đây chính là sự ra đời và tồn tại của CLB trên. Không phải ngẫu hứng mà có. “CLB ra đời, ngoài chuyện giúp hội viên vốn, giải tỏa lo sợ, buồn phiền do ma túy mang lại, cung cấp kiến thức phòng chống, kinh nghiệm làm ăn, thì góp phần giải quyết một vấn đề: Xua tan sự mặc cảm, xa lánh của người bị HIV với cộng đồng. Mà nguyên nhân là do cộng đồng kỳ thị, phân biệt, xa lánh, chê bai… rất gay gắt với họ”. CLB này đã khiến cho câu chuyện đau buồn về HIV/AIDS ở Bình Trị, dù không giảm xuống nhưng cũng không tăng lên những bức bách trong suy tư của người mạnh khỏe với người bị HIV. Hoạt động có hiệu quả, nên tên tuổi của CLB đã được nêu trên Diễn đàn Xã hội dân sự Việt Nam - Hợp tác quốc tế phòng HIV/AIDS. Anh Ân cũng được mời ra Hà Nội tham quan, trao đổi. Các địa phương như Hải Dương, Hà Giang cũng vào Bình Trị tìm hiểu học tập mô hình.

“Chúng tôi vẫn duy trì, nhưng nghèo quá, tiền quỹ chỉ còn vài trăm nghìn do tài trợ sót lại từ 2011. Tôi mong, nếu như được sự quan tâm của các đoàn thể, mỗi tháng cần 100 nghìn thôi, đủ mua trà để họp CLB thường xuyên, hay biết mấy” - anh Ân chia sẻ. Mong ước đó xem ra đơn giản nhưng khó thành, bởi ai sẽ giải quyết, khi cơ quan sản sinh ra nó là hội phụ nữ địa phương thì quá nghèo, lấy đâu tiền để duy trì? Câu chuyện về HIV/AIDS, đâu chỉ dừng lại ở người bị lây nhiễm, mà còn ở chỗ giúp người thân của họ đứng vững trước những khốn khổ rập rình, trong đó sự hỗ trợ cộng cảm tương tác của cộng đồng với họ cần thiết biết bao. Và nguy cơ về HIV/AIDS tại đây đâu đã hết, nên không lẽ mô hình này kết thúc sứ mệnh của nó sớm như thế hay sao?

MỘC MIÊN

MỘC MIÊN