“Mổ xẻ” cụm công nghiệp
Cơ chế nửa vời, thiếu vốn triền miên và sự thiếu linh hoạt của các địa phương đã khiến việc đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trong 10 năm qua ở Quảng Nam vẫn không thể đạt yêu cầu.
Đầu tư nhỏ giọt
Mười năm qua, 4/10 CCN của Thăng Bình đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết hiện vẫn ngổn ngang, dang dở. Ông Đặng Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện than phiền về tỷ lệ lấp đầy quá thấp, chưa tới 30%. CCN Nam Hà Lam (23ha) không triển khai vì “vướng” mồ mả và khu dân cư, còn CCN Kế Xuyên - Quán Gò “vướng” đất lúa. Tại Thăng Bình, 13 doanh nghiệp (DN) đầu tư 280 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 173 tỷ đồng, thu hút 1.500 lao động, chủ yếu là may mặc. Thiếu vốn, thiếu cả hạ tầng và sự ưu đãi nên rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến rồi… lắc đầu bỏ đi.
Tỷ lệ lấp đầy và thu hút lao động địa phương của các cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Ảnh: T.D |
Thăng Bình không phải là biệt lệ. Tình trạng thiếu vốn triền miên hay cơ chế bất ổn nên rất khó tạo hạ tầng, thu hút DN xảy ra ở tất cả CCN trên địa bàn Quảng Nam. Tam Kỳ chỉ mới lấp đầy CCN Trường Xuân 1, còn CCN Trường Xuân 2 và Trường Xuân – Thuận Yên nhiều năm nay “đứng bánh” vì thiếu nguồn lực đầu tư. Duy Xuyên lấp đầy 40% tại 4 CCN (104ha) được quy hoạch, nhưng các CCN vẫn đang trong tình trạng thiếu hệ thống thoát nước, vắng nhà máy xử lý nước thải… Điện Bàn được mệnh danh là vùng công nghiệp lớn của Quảng Nam cũng không khá hơn. Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, ông Trần Úc, nhận định, việc đầu tư lỡ dở bởi thiếu vốn và cơ chế chính sách chưa rõ ràng… đã khiến đất không sử dụng được hết.
Hạ tầng chắp vá, mức hỗ trợ của tỉnh không đáp ứng đủ nguồn lực cho đầu tư CCN. Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, ông Lê Trí Hiệu cho biết hầu hết nhà đầu tư đều “sợ hãi” khi phải đầu tư vào miền núi trong tình trạng giao thông không bảo đảm, điện thiếu hoặc thường xuyên bị cắt. “Ở miền núi, thu hút được vài nhà đầu tư vào CCN đã quý, nhưng nhà nước quy định lấp đầy 80% thì mới nhận được ưu đãi, nên rất khó khăn. Nhiều DN đến đầu tư nhưng dài cổ chờ giải phóng mặt bằng mãi vẫn không xong. Chờ lấp đầy 80% diện tích là rất khó, nên cần tìm giải pháp khác cho miền núi” - ông Hiệu nói. Kiểu phân bổ vốn nhỏ giọt này cũng đã khiến CCN duy nhất ở Hội An là Thanh Hà 10 năm qua vẫn chỉ mới đầu tư 33,4 tỷ đồng. Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói giai đoạn 2 cần 176 tỷ đồng nữa mới hoàn chỉnh hạ tầng, cấp thoát nước, xử lý nước thải…, nhưng vì thiếu vốn nên bị “đứng”, chưa biết bao giờ hoàn thành.
Cuộc “cách mạng” mới
Tham vọng đầu tư phát triển CCN để góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 dường như chưa bao giờ nguội tắt tại các địa phương. Sở Công Thương và chính quyền sở tại tiếp tục đề nghị xin ứng vốn đầu tư và cơ chế thực hiện. Kế hoạch của Sở Công Thương là tiếp tục tập trung xây dựng 108 CCN bằng nguồn vốn trung ương, vốn chương trình mục tiêu và một phần vốn địa phương. Địa phương cũng lập kế hoạch di dời các DN, cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi làng nghề, khu dân cư trên cơ sở chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư thông thoáng có sức hấp dẫn và thống nhất cao. Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đề nghị toàn bộ nguồn thu từ phát triển trong CCN để lại 100% cho thành phố để đầu tư có mục tiêu hạ tầng CCN và các CCN được hưởng cơ chế như Khu Kinh tế mở Chu Lai.
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện Quảng Nam có 108 CCN với tổng diện tích 2.313ha; trong đó 79 CCN với 2.080 ha ở đồng bằng, 29 CCN rộng 233ha ở miền núi. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 59 CCN (tổng diện tích 1.524,04ha) được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ lấp đầy bình quân 45,35%. Nếu tính riêng 48 CCN tại đồng bằng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết thì tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 51,57%. Giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong các CCN năm 2012 chiếm 28% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh. |
Dường như đang bắt đầu diễn ra cuộc “cách mạng” để mở đường cho các CCN phát triển đúng hướng và thực chất hơn. Chính quyền Điện Bàn đang điều chỉnh quy hoạch 11 CCN, chọn DN đầu tư có giá trị tăng cao; rà soát DN đầu tư kém để thu hồi đất hoặc DN phá sản để chuyển nhượng lại mặt bằng, đề nghị chính quyền tỉnh định hướng loại hình công nghiệp tại mỗi địa phương và liên vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh gần như đã chấp thuận yêu cầu không thu tiền sử dụng 30% đất trồng cây xanh tại CCN của Hội An, sẵn sàng loại bỏ những nhà đầu tư yếu kém hoặc không triển khai dự án như cam kết, nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch các nhà máy “bám đường” ở Đại Lộc và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các CCN.
Trong khi đó, ông Trương Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận: Các địa phương lập khá nhiều CCN với mong muốn sớm thúc đẩy phát triển, nhưng vốn ngân sách nhà nước chỉ đủ cho 25 CCN trọng điểm, còn lại phải giãn tiến độ. Ngay cả 25 CCN trọng điểm ấy cũng không thể lấp đầy, bởi tất cả lệ thuộc vào vốn. Quảng Nam định hướng chuyển dịch thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, nhưng bố trí vốn chưa thực sự tập trung và tỷ trọng cân đối vốn cho CCN cứ đi như hình sin. Từ 1,2 tỷ đồng năm 2003, lên đỉnh cao nhất 32 tỷ đồng vào năm 2011, rồi lại rút xuống chỉ còn 9,5 tỷ đồng năm 2013; trong khi các đầu tư khác lại có xu hướng tăng. “Sở KH&ĐT đã nhìn thấy, nhưng bố trí vốn thiếu hợp lý. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng tỷ lệ này lên khoảng gấp 2 hoặc 3 lần cho các năm tới, mới bảo đảm tỷ lệ lấp đầy lên đến 70 - 80% chứ không chỉ dừng ở tỷ lệ 51,57% như hiện tại” - ông Dũng nói.
“Cho dù Quảng Nam đang khó khăn thu hút đầu tư, nhưng không vì nôn nóng giải quyết lao động mà thu hút bằng mọi giá, bất chấp hệ lụy về sau”. (Chủ tịch UBND tỉnh LÊ PHƯớC THANH) |
Ông Ngô Bốn - Phó Giám đốc Sở Tài chính cũng cho biết, do thiếu vốn nên địa phương lúng túng trong đầu tư. Ngay cả DN có đầu tư thì cũng chắp vá. DN ứng vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng thì lại gặp khó do việc hoàn trả kéo dài gây mất vốn, mất lòng tin. “Vì vậy, để thúc đẩy đầu tư các CCN, địa phương cần hoàn trả ngay vốn nhà đầu tư bỏ ra để giải phóng mặt bằng và công bố ngay bảng giá đất hàng năm để DN biết để họ có tính toán, lựa chọn, cân nhắc phương án đầu tư hiệu quả hơn” - ông Bốn nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, cơ chế nửa vời và thiếu vốn đã khiến việc đầu tư cho các CCN gặp khó. Quan điểm của chính quyền là sẽ ứng vốn ngân sách cho các CCN xây dựng hạ tầng khi thu hút được nhà đầu tư thực sự. Kể từ năm 2014, sẽ ưu tiên và tăng vốn lên 2 - 3 lần, kết hợp cùng cơ chế xã hội hóa, vay vốn ODA… để đầu tư CCN. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần rà soát quy hoạch chi tiết, đầu tư dứt điểm, chọn lọc nhà đầu tư, loại bỏ DN ô nhiễm vào Quảng Nam. “Cho dù Quảng Nam đang khó khăn thu hút đầu tư, nhưng không vì nôn nóng giải quyết lao động mà thu hút bằng mọi giá, bất chấp hệ lụy về sau” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
TRỊNH DŨNG