“Sức sống” tiệm may đo
Hiện nay, quần áo may mặc sẵn đang chiếm ưu thế do kiểu dáng khá phong phú, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng giữ thói quen đi chọn vải, nhờ thợ cắt may theo ý thích và số đo của mình…
Thời của may sẵn
Có một thực tế là trong vòng chục năm trở lại đây, những tiệm may quần áo nho nhỏ ở các làng quê đã dần dần đóng cửa bởi vắng khách. Lý do hầu hết là tay nghề của các chị, các mẹ ở quê không đáp ứng kịp thời mẫu mã cho khách hàng. Trong khi đó, chỉ cần ra cửa bán hàng may mặc sẵn, khách được tự do lựa chọn kiểu dáng, loại vải, không tốn nhiều thời gian chờ đợi như ở tiệm may đo (thường trên 10 ngày), chưa nói sản phẩm nhiều khi không vừa ý. Thêm nữa, hàng may mặc sẵn luôn có giá thành rẻ hơn.
Các bà nội trợ phải tính toán chi li trong thời điểm xảy ra dịch gia súc, gia cầm. Ảnh: M.S |
Tại thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước), cách đây 10 năm có trên 20 tiệm may quần áo, nhưng nay chỉ tồn tại một vài tiệm. Chị Nguyễn Thị Ngư (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ) chia sẻ: “Ngày trước, một ngày trung bình cũng có đôi ba người đến nhờ cắt may. Thời gian cao điểm như tựu trường, Tết Nguyên đán thì cắm mặt vào bàn may từ mờ sáng đến đêm khuya để kịp giao hàng cho khách. Nhưng nay mọi người chuyển qua mua đồ may sẵn, thành ra tôi chỉ sửa chữa quần áo kiếm đôi ba ngàn đồng mỗi ngày phụ thêm tiền chợ búa”. Tiệm của chị Ngư và chị Nguyễn Thị Chương (thôn Phái Đông), Nguyễn Thị Thu (thôn Bình Yên, thị trấn Tiên Kỳ)… đều đóng cửa lý do tương tự.
Cuộc “đổ bộ” của hàng may sẵn đã khiến thợ may một thời là nghề đỉnh cao trở nên ế ẩm. Tuy nhiên, đó là với các tiệm may nhỏ ở các làng quê và một số tiệm không có tiếng tăm ở phố. Còn với các tiệm may lớn, chủ tiệm có tay nghề cao, kỹ thuật cắt may khéo léo thì vẫn có một lượng khách hàng ổn định, không phụ thuộc nhiều vào các mùa cao điểm. Ở Tam Kỳ, khá nhiều người biết đến các tiệm may Bích Hòa (đường Phan Châu Trinh), Kim Hùng (Nguyễn Du)… Đa số khách hàng tìm đến những tiệm cắt may này “vui lòng” chấp nhận chờ đợi 2 - 3 tuần để có được sản phẩm hoàn thiện theo yêu cầu như quần, áo, váy, đầm… Chị Trần Thị Hạ Vy (Sở Tài nguyên-Môi trường) chia sẻ: “Váy áo được may sẵn bán ở Tam Kỳ hoặc có chất liệu vải xấu, đường may không khéo hoặc có giá tương đối cao nếu bán ở tiệm có thương hiệu. Trong khi đó, nếu tìm được tiệm cắt may khéo, chịu khó lên mạng tìm kiểu dáng rồi nhờ may theo mẫu thì vừa đẹp, lại rẻ hơn so với mua”. Một chủ tiệm may trên đường Phan Châu Trinh cho biết: “Khách hàng của mình thường khó tính, kỹ lưỡng trong việc ăn mặc. Vì vậy, họ thích được may đồ theo số đo, theo “phom dáng”. Nhiều lúc, khách hàng thấy thích kiểu dáng chiếc váy cô người mẫu mặc nhưng không phù hợp với hình dáng, nên nhờ tôi phối kiểu lại”.
Đối với phái nam, đây chính là thời kỳ “cực thịnh” của hàng may sẵn. Không quá cầu kỳ hay chi tiết về kiểu dáng, thời trang nam chủ yếu là áo sơ mi, quần âu hoặc jean và veston. Sẽ dễ dàng hơn để chọn trang phục may sẵn phù hợp với nam. Những bà nội trợ cũng chọn dịch vụ may sẵn này để “làm sang cho chồng”. “Tâm lý của đàn ông thường không muốn đến tiệm may đo như phụ nữ. Vì thế, tôi sắm đồ mua sẵn, nếu không vừa cỡ hoặc vừa ý thì đổi lại tức thì. Con cái cũng vậy, từ đồng phục đi học đến quần áo mặc ở nhà, tất cả đều có sẵn và tiện lợi”, một nữ khách hàng tâm sự.
Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường quần áo có thương hiệu như Boss, John Henry giá thành khá cao, tối thiểu cũng trên 1 triệu đồng/sản phẩm. Trong khi đó, hàng hiệu An Phước, Việt Tiến, Nino Maxx giá cả phong phú và mẫu mã cũng được cập nhật liên tục. Với các hàng hiệu này, sản phẩm xuất khẩu giá cao hơn nhưng cũng chỉ dao động 400.000 - 800.000 đồng/sản phẩm, nhất là có thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nên vẫn đáp ứng đủ nhu cầu đẹp, bền.
Vị thế của may đo
Nghề may đo vẫn có một chỗ đứng nhất định trong bối cảnh hàng may sẵn đang chiếm ưu thế. Dù hàng may sẵn hấp dẫn bởi những ưu điểm giá rẻ, tiện lợi, đa dạng, phong phú…, nhưng khách hàng sành ăn mặc lại thích “săn lùng” những tiệm may gia truyền trong hóc hẻm, truyền tai những địa chỉ đáng tin cậy để đặt hàng cho những sự khác biệt. Đó là lý do tại sao nghề may ở Hội An luôn “nóng” với lượng du khách trong và ngoài tìm đến. Ở Tam Kỳ, Vĩnh Điện (Điện Bàn), Nam Phước (Duy Xuyên), nhiều cửa hàng may dù không nằm ở mặt tiền vẫn được khách hàng tìm tới vì ở đó tay nghề vững chắc và sản phẩm đẹp.
Tại Hội An, nghề may đo đang rất phát triển, ngược lại với các địa phương khác. Cụ Nguyễn Sung (chủ tiệm may Tiến Hưng) từng cho biết vào những năm 1945, cả Hội An có chừng 20 tiệm với khoảng 60 - 70 người làm nghề may, trong đó các cửa hiệu nổi tiếng như Công Thành, Vĩnh Lợi, Lữ Phát… Đến nay, theo số liệu từ Phòng Kinh tế TP. Hội An, chỉ tính riêng phường Minh An (khu vực 1 của phố cổ) đã có gần 60 hộ kinh doanh may mặc bằng hình thức mở shop vải, tập hợp thợ đo, cắt may tại chỗ. Từ khi đo đến khi hoàn thành sản phẩm, khách hàng chỉ đợi khoảng 4 giờ đồng hồ nhưng vẫn đảm bảo độ khéo léo, tính thẩm mỹ cao. Nhờ vậy, nghề may “nóng” ở Hội An rất được ưa chuộng.
Tiền công may một sản phẩm ở những tiệm may có thương hiệu thường không rẻ so với sản phẩm may mặc sẵn. Nếu như một chiếc áo vest nữ bán hàng loạt ngoài cửa hàng có giá chưa đầy 200.000 đồng/chiếc thì áo vest hoàn thiện được may tại tiệm đắt hơn gần 2,5 lần, lại còn phải chờ hơn 10 ngày mới hoàn thiện. Vẫn còn bộ phận khách hàng chuộng may đo tại tiệm bởi muốn sản phẩm “không đụng hàng” và vừa vặn, đó là lý do để hàng may đo vẫn tồn tại giữa thời buổi hàng may sẵn đang chiếm lĩnh.
TÂM AN - THỤC ANH