Tập trung chống hạn
(QNO) - Ngày 10. 5, Đoàn kiểm tra liên ngành của các Bộ đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT, thông qua đó đánh giá công tác chuẩn bị chống hạn liên quan vấn đề xả nước thủy điện.
Nguy cơ thiếu nước trầm trọngĐoàn kiểm tra gồm đại diện của Cục Thủy lợi, Cục quản lý đê điều và phòng chống, Viện quy hoạch thủy lợi, Cục trồng trọt, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện của Sở NN&PTNT của 2 tỉnh là Quảng Nam và Đà Nẵng để nghe báo cáo tình hình chuẩn bị cũng như ý kiến nguyện vọng của 2 tỉnh trực tiếp ảnh hưởng từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.Nguy cơ hán hán kéo dài cho vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nếu các hồ chứa không đảm bảo được điều tiết nước. |
Đại diện cho Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi cho biết, từ các báo cáo của các địa phương, đơn vị, và qua tính toán, cấn đối nguồn nước thì đến thời điểm hiện tại vẫn có 20/74 hồ chứa thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè thu sắp tới. Đặc biệt là một số hồ nước thiếu hụt lớn, cần phải có biện pháp để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân như: Đông Tiễn, Thái Xuân, Cây Thông, Trà Cân, Chấn Sơn… “Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, vụ hè thu sẽ bị ảnh hưởng nặng do một đợt hạn hán nghiêm trọng, có khả năng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng dài ngày từ 39-41 độ C. Dòng chảy trên các sông sẽ suy giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 60-70%. Chính vì vậy nếu các hồ chứa không thực hiện tốt các biện pháp tưới tiêu tiết kiệm và cơ cấu giống phù hợp thì sẽ bị thiếu nước trầm trọng, dẫn đến mất mùa trên diện rộng…”- ông Tuấn nói.
Theo kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2013, trên địa bàn có 43.500ha lúa và khoảng 59 ngàn héc ta màu được đưa vào sản xuất. Nếu tình hình thời tiết diễn ra theo như dự báo thì sẽ có khoảng 16 ngàn héc ta lúa và hàng ngàn héc ta rau màu vụ hè thu sẽ bị khô hạn, thiếu nước. Tình trạng này chủ yếu tập trung ở các hồ chứa bị thiếu hụt nguồn nước và các trạm bơm sử dụng nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.Ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Đà Nẵng cho biết, vụ hè thu tới, trên địa bàn TP.Đà Nẵng sẽ thiếu nước tưới cho 2.500ha lúa và trên 356ha trồng ngô, nguy cơ bị xâm mặn rất lớn. Chính vì cậy, ông Vọng kiến nghị thủy điện Đắk Mi 4 phải xả nước về Vu Gia qua cống xả sâu chứ không thể nói xả chỉ cần xả đủ mức 50m3/s là được. Bởi nếu xả qua phát điện thì toàn bộ lượng nước thực ra là đổ về Thu Bồn chứ hệ thống Vu Gia thì không có giọt nào. Đề nghị EVN xả qua cống xả sâu với lưu lượng 25m3/s (mức tối thiểu) về Vu Gia để cải thiện nguồn nước. Bên cạnh đó cần có quy chế phối hợp giữa các địa phương và thủy điện chứ không thể nói “chủ động điều tiết” như hiện nay là được. Tìm cách ứng phóKhu vực được dự báo là sẽ thiếu nước trong vụ hè thu sắp tới chủ yếu là các địa phương nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Vấn đề cốt yếu nằm ở việc điều tiết nước từ các hệ thống hồ chứa, trong đó thủy điện A Vương và thủy điện Đăk Mi 4 là hai hồ chứa đã đảm bảo được lượng nước để điều tiết trong mùa khô. “Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy trình vận hành chính thức nào được ban hành. Nếu như thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và TP.Đà Nẵng thì Đắk Mi 4 phải xả cống xả sâu. Hiện nay cống xả sâu của Đắk Mi 4 thì không biết ai điều hành? Chính vì vậy, đề nghị ban hành quy trình vận hành liên hồ mùa kiệt. Trong khi chờ đợi thì nên có quy chế tạm thời để vận hành các thủy điện mùa kiệt để làm sao hài hòa lợi ích cho nông nghiệp, địa phương và ngành điện” - ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh nói.Liên quan đến các kiến nghị của địa phương về chi phí hỗ trợ chống hạn hán, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trình Chính phủ cấp cho Quảng Nam 13 tỷ đồng, Đà Nẵng 2,6 tỷ đồng. |
Trước những ý kiến, kiến nghị của đại diện 2 tỉnh, ông Vũ Xuân Thu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với các ý kiến, kế hoạch mà Sở NN&PTNT Quảng Nam đưa ra. Qua đó các hồ chứa sẽ đảm bảo được lượng nước để xả nước vào ngày 30.5 tới để phục vụ việc gieo sạ của vụ hè thu năm 2013. Còn về việc xả 25m3/s ở cống xả sâu ở thủy điện Đăk Mi 4, ông Thu cho biết mình chỉ điều tiết qua nhà máy. “Trung tâm điều độ điện quốc gia chỉ khai thác lượng nước trong hồ qua việc phát điện” - ông Thu nói.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, thuộc Tổng cục thủy lợi tiếp nhận những kiến nghị của 2 tỉnh và sẽ có báo cáo với Bộ NN&PTNT vào tuần tới. Ông Hiển cũng khuyến cáo các địa phương để chuẩn bị cho việc chống hạn cho vụ mùa sắp tới. “Trước mắt phải chuẩn bị giống cho vùng chuyển đổi cơ cấu giống sao cho phù hợp với tình hình. Nếu đã thiếu nước thì không thể sử dụng giống dài ngày mà thay vào đó là các giống ngắn ngày. Như vậy mới tiết kiệm được nước tưới tiêu. Các địa phương phải phát động phong trào ra quân làm thủy lợi để có thể khắc phục được tình hình khó khăn” - ông Hiển nói.Đồng thời, ông Đặng Duy Hiển cũng nhận trách nhiệm về việc thông tin về việc vận hàng 2 hồ chứa A Vương và Đăk Mi4. Hàng ngày, Vụ Quản lý công trình thủy lợi sẽ làm đầu mối tổng hợp thông tin về thời gian vận hành của các nhà máy thủy điện theo đúng với phương án. Liên hệ để nắm tình hình sản xuất của Đà Nẵng và Quảng Nam. Liên hệ với khí tượng thủy văn để lấy mực nước tại Vu Gia - Thu Bồn và An Trạch, từ đó báo cáo kịp thời để địa phương nắm rõ tình hình. NGUYỄN DƯƠNG