ASEAN+6 khởi động lộ trình RCEP

NAM VIỆT (tổng hợp) 10/05/2013 09:35

Hôm qua (9.5), tại Brunei, lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác kinh tế quan trọng của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ (ASEAN+6) bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 5 ngày, nhằm hướng tới việc thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

NẾU được thành lập, RCEP sẽ trở thành một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới với dân số khoảng 3,3 tỷ người, chiếm 1/2 thị trường toàn cầu và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới. Theo các chuyên gia quốc tế, RCEP ra đời sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào thị trường phương Tây đang gặp khó khăn, cũng như bù đắp vào sự suy yếu của Hoa Kỳ và sự phục hồi kinh tế thế giới. RCEP sẽ thống nhất lại các hiệp định tự do thương mại giữa các nước ASEAN và 6 nước đối tác, tiến tới những thỏa thuận xa hơn nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, các quốc gia hướng tới cam kết tự do hóa hầu như 100% hoạt động thương mại giữa các nước sau khi thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Song, cũng sẽ có một số bảo vệ nhất định với những mặt hàng nhạy cảm, chẳng hạn như gạo.

Các nhà lãnh đạo ASEAN+6 đã công bố thống nhất triển khai RCEP vào cuối năm 2012. (Ảnh: internet)
Các nhà lãnh đạo ASEAN+6 đã công bố thống nhất triển khai RCEP vào cuối năm 2012. (Ảnh: internet)

Do có sự không đồng đều về mức độ phát triển kinh tế giữa các nước, tại cuộc họp lần này, các thành viên RCEP sẽ thảo luận và liên kết từng bước, tập trung vào 3 lĩnh vực chủ chốt: thương mại, dịch vụ và đầu tư,  thúc đẩy kinh tế châu Á và giúp cân bằng sự mở rộng giữa các nước Đông và Tây Âu. Bên cạnh đó sẽ thảo luận về phạm vi và cách thức đàm phán RCEP nhằm đi đến một thỏa thuận vào năm 2015 - thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thỏa thuận này ước tính sẽ đem lại giá trị thương mại lên tới 17 nghìn tỷ USD và sẽ cân bằng với ảnh hưởng của Thỏa thuận đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương do Mỹ chủ trì. Đồng thời, RCEP cũng được xem là bước đệm quan trọng trước khi tiến tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2020.

RCEP được khởi xướng bởi các nước Đông Á tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, diễn ra ở Campuchia hồi cuối năm 2012, được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa nỗ lực hòa nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau đang được áp dụng trong khu vực để tối đa hóa các lợi ích kinh tế. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN là không thể tách rời tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu. Vì vậy, ASEAN một mặt đề cao mục tiêu củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN và các nước đối tác, đồng thời nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình. ASEAN đang tham gia FTA với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Trong năm 2013, ASEAN và các đối tác lớn này sẽ khởi động đàm phán RCEP. Đây chính là quyết tâm của ASEAN trong việc củng cố vai trò trung tâm trong phát triển thương mại, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực.

 NAM VIỆT (tổng hợp)

NAM VIỆT (tổng hợp)