Dở dang dự án vùng đông
Thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm và năng lực hành chính hạn chế của chính quyền địa phương… đã khiến nhiều dự án đầu tư tại vùng đông Quảng Nam dang dở, không theo kịp tiến độ.
Hiện trạng dang dở
Đã 4 năm sau thời điểm đồng loạt khởi công cùng lúc, ba dự án lớn ở vùng đông Quảng Nam vẫn còn dang dở. Ba dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành mới chỉ thực hiện với tổng giá trị xây lắp khoảng 281 tỷ đồng (đã nghiệm thu 246 tỷ đồng và dở dang chưa nghiệm thu 35 tỷ đồng). Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã bố trí đến năm 2015 của 3 dự án là 836,348/3.818 tỷ đồng, đạt 22%, nhưng mới chỉ phân bổ đến 2013 khoảng 696,423 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Nam đã phải cho phép gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng đến 26.3.2015. Hiện tổng thầu EC đang tập trung thi công đoạn tuyến 17km, từ dốc Diên Hồng đến chân cầu phía nam Bình Hải - Bình Sa, thi công cầu tạm cầu Bình Hải - Bình Sa và nền đường 7,5km thuộc dự án Thăng Bình để thông tuyến từ dốc Diên Hồng đến giáp cầu Cửa Đại. Theo nội dung biên bản làm việc giữa Ban quản lý KKTM Chu Lai và Công ty CP Xuân Thành Group ngày 23.3.2013, đơn vị nhà thầu EC cam kết đến ngày 30.6.2013 sẽ thực hiện khối lượng đạt 380 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra dự án cầu Cửa Đại.Ảnh: T.DŨNG |
Còn tại vùng đông Duy Xuyên, trên các bến sông qua Hội An, vẫn là âm thanh rì rào vang tiếng sóng, tiếng người lẫn tiếng đếm tiền sột soạt giữa khoang thuyền lúc nào cũng đầy xe cộ, quang gánh và tương cà mắm muối… trên những chuyến đò ngang qua lại mỗi ngày. Kẻ vội vã lên bờ, vào phố. Người tất tả xuống thuyền trở lại bến sông như nước chảy, không dứt. Một vài tấm bảng quảng cáo bán đất treo giữa quán nước bên bờ sông đầy gió cùng vài người khách lơ đễnh đợi chuyến đò tiếp theo. Dọc triền sông từ bến đò Duy Nghĩa tới An Lương (Duy Hải), cá, mắm phơi la liệt đầy mặt kè. Công trình cầu Cửa Đại ngổn ngang sắt thép, vôi vữa. Tất cả 4 gói thầu của công trình này chỉ đạt tối đa 50% giá trị xây lắp, thậm chí gói thầu 3.4 chỉ mới đạt khoảng 15%. Cụ thể, gói thầu số 3.1 cầu dẫn phía bắc cầu Cửa Đại dài 400m mới chỉ đạt giá trị sản lượng thực hiện 31 tỷ/193,613 tỷ đồng mới đang đóng cọc, tư vấn đang tiến hành hồ sơ điều chỉnh phương án mố M1, trụ T2, T3 và phải dừng đóng trụ T4, T5 vì dân địa phương cản trở khi cho việc đóng cọc gây nứt nhà dân khu vực lân cận. Gói thầu số 3.2, 8 trụ (trụ 11 đến trụ 18) của cầu chính cầu Cửa Đại dài 830m với giá gói thầu 1.065,571 tỷ đồng đã đạt 542 tỷ đồng giá trị sản lượng thực hiện. Dự kiến sẽ thi công xong thân trụ trong tháng 7.2013. Gói thầu số 3.3 cầu dẫn phía nam cầu Cửa Đại dài 240m đã đạt giá trị thực hiện 78 tỷ/133,255 tỷ đồng thì trụ T21, T22 và T23 đã thi công xong…
Gói thầu 3.4 vẫn là con đường dở dang đầy bụi đất. |
Không chỉ thiếu vốn, chủ đầu tư và nhà thầu cũng phàn nàn vì việc giải phóng mặt bằng quá chậm. Điều này cũng đã được ông Phan Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thừa nhận bởi gói thầu 3.4 trên địa bàn Duy Xuyên đã triển khai từ năm 2009, sau 6 lần bàn giao mặt bằng và qua rất nhiều cuộc họp nhưng vẫn còn đến 5 nhà chưa bàn giao mặt bằng và các đường dây điện sinh hoạt của dân chưa được di dời. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, nhà thầu đã tạm dừng thi công!
Thi công cầu Cửa Đại. |
Tìm vốn cho công trình
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các chủ đầu tư, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm và linh hoạt trong việc xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Ba dự án cứu hộ cứu nạn cần thanh toán dứt điểm khối lượng thi công, thay đổi phương án theo hướng giảm các hạng mục, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư. Quan điểm của chính quyền là dù nguồn vốn có khó khăn cũng phải tìm mọi cách, không thể dừng dự án. Chính quyền sẽ tiếp tục ứng khoảng 200 tỷ đồng vốn từ ngân sách địa phương, xúc tiến với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, ứng vốn TPCP năm 2014, 2015 để đầu tư, tiếp tục thi công, nhanh chóng hợp long cầu Cửa Đại, dự kiến vào tháng 6 năm 2014. |
Ba dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn đã được gia hạn tiến độ và kế hoạch hoàn thành dự án cầu Cửa Đại sau 40 tháng thi công (kể từ ngày 30.8.2009) đã không thể thực hiện vì thiếu vốn đã khiến chính quyền và chủ đầu tư lo lắng. Ông Lê Vũ Thương, Phó ban Quản lý Khu KTM Chu Lai nói trên cơ sở vốn đã bố trí đến cuối năm 2015, nếu đầu tư đúng quy mô được duyệt của 3 dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn, thì số vốn còn thiếu khoảng 3.000 tỷ đồng, còn nếu giảm bớt một số hạng mục thì số vốn còn thiếu chỉ khoảng 1.184 tỷ đồng, nên UBND tỉnh cần chỉ đạo chọn lựa phương án tốt nhất. “Công ty CP Xuân Thành cam kết huy động bổ sung từ nguồn vốn TPCP để thực hiện dự án. Nếu không bổ sung được vốn TPCP thì đơn vị tổng thầu EC thống nhất thanh toán khối lượng từ nguồn khai thác quỹ đất. Dự kiến nguồn khai thác tại khu vực phía nam cầu Cửa Đại và quỹ đất dọc theo các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình và Tam Kỳ” - ông Thương nói. Riêng cầu Cửa Đại thì tổng nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 833,816 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 193,816 tỷ đồng và trung ương 640 tỷ đồng), đã giải ngân 596,177 tỷ đồng trong khi giá trị thực hiện lên đến 1.129 tỷ đồng với giá trị xây lắp là 895 tỷ đồng, còn đến 293 tỷ đồng giá trị khối lượng chưa thanh toán. Dự kiến, giá trị xây lắp năm 2013 là 937 tỷ đồng. Ông Thương cho biết kế hoạch vốn TPCP bố trí cho các dự án cầu Cửa Đại giai đoạn 2012 -2015 là 1.000 tỷ đồng, nhưng đã bố trí năm 2012 và 2013 là 500 tỷ đồng, cần thêm 500 tỷ đồng vốn TPCP để đáp ứng tiến độ dự án. Tuy nhiên, để các nhà thầu duy trì tiến độ thi công, UBND tỉnh cần tiếp tục cho ứng vốn ngân sách để thanh toán nợ khối lượng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, ngoài việc thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm thì chính sự thiếu tích cực của chủ đầu tư, nhà thầu và năng lực yếu của chính quyền địa phương cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng tiến độ xây dựng các dự án trở nên chậm chạp.
Trịnh Dũng