Mùa vàng SRI
Lần đầu tiên đồng bào thôn Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang) áp dụng phương thức canh tác lúa cải tiến (SRI) và bội thu “mùa vàng”. Từng gùi lúa nặng trĩu đang chuyển về chật kín sân gươl… Hình ảnh mới mẻ này càng khiến “điểm sáng” Tà Vàng thêm nổi bật.
Được mùa “chưa từng thấy”
Những ngày này, đi khắp bản Tà Vàng đâu đâu cũng thấy cảnh hối hả trên từng cánh đồng lúa chín. Lúa được mùa, năng suất cao gần gấp đôi mọi vụ mùa trước đó. Đây là lần đầu tiên, bà con thôn Tà Vàng áp dụng phương thức canh tác lúa cải tiến SRI theo mô hình tập huấn của Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế (FIDR). Trưởng thôn Tà Vàng, Pơloong Nhốt cho biết 24 hộ trong thôn được chọn thí điểm canh tác lúa cải tiến SRI, triển khai lần đầu tiên trên hơn 3ha xung quanh làng. Được đầu tư giống, phân bón, tập huấn canh tác theo mô hình khép kín, lại gặp thời tiết thuận lợi, những cánh đồng lúa SRI bội thu, năng suất tăng gần 50% so với trước. “Vụ mùa bội thu chưa từng thấy. Bà con trong làng phấn khởi lắm! Làm cũng chừng đó diện tích mà lúa nhiều gấp đôi, một héc ta lúa nước thu về hơn 50 tạ lúa, lễ mừng cơm mới dịp này to hơn mọi năm rồi” - trưởng thôn Pơloong Nhốt hồ hởi.
Một góc thôn văn hóa Tà Vàng. |
Buông gùi thóc nặng trĩu xuống sân nhà, chị Pơloong Thị Brái, một hộ dân tham gia mô hình canh tác lúa cải tiến SRI nói thêm, những ngày này gia đình chị phải nhờ thêm người phụ giúp thu hoạch lúa. Bà con ở Tà Vàng vẫn còn thói quen tuốt lúa bằng cách đập từng bó lúa vào thân cây, chứ chưa sử dụng máy tuốt lúa, nên phải cần nhiều người để kịp thu hoạch, bởi mùa này thường xảy ra mưa dông. “Năm ni được mùa lắm, lúa nhiều, gạo nhiều, không lo như mọi năm nữa. Có cán bộ cho giống để trồng, hướng dẫn làm theo cách mới thiệt là tốt. Từ bây giờ dân làng mình biết cách làm rồi, biết cách trồng lúa để có hiệu quả rồi”. Cũng như chị Brái, các hộ dân trong thôn Tà Vàng bắt đầu nhận ra lợi ích của phương thức canh tác theo hướng mới, nắm bắt kỹ thuật gieo trồng mới và cách phòng ngừa sâu bệnh…
“Vụ mùa bội thu chưa từng thấy. Bà con trong làng phấn khởi lắm! Làm cũng chừng đó diện tích mà lúa nhiều gấp đôi, một hecta lúa nước thu về hơn 50 tạ lúa, lễ mừng cơm mới dịp này to hơn mọi năm rồi”. (Trưởng thôn Tà Vàng, Pơloong Nhốt) |
Tranh thủ ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5, Arâl Thị Linh - học sinh trường THPT Tây Giang - cùng các bạn cũng xuống phụ giúp người bà con trong thôn thu hoạch lúa. Trên gương mặt đẫm mồ hôi của các em thấy lấp lánh niềm vui được mùa lúa mới… Câu chuyện làm lúa nước ở Tà Vàng nói riêng, ở vùng cao Tây Giang nói chung đã có từ lâu, nhưng phương thức canh tác theo truyền thống còn nhiều hạn chế, bà con lại không dùng phân bón, chưa nắm bắt kỹ thuật cấy mạ non, mật độ cấy thưa, tưới khô ướt xen kẽ để đảm bảo độ ẩm… dẫn đến năng suất còn thấp. Bản thân Linh cũng được biết một số kiến thức nhờ sách vở trong trường học, nhưng để bà con chịu nghe, chịu làm theo thì rất khó. Nhờ dự án được triển khai, tận mắt thấy được hiệu quả của cách làm mới, đến nay cả thôn Tà Vàng đều tin vào phương thức canh tác mới, bắt đầu chú ý đến các kỹ thuật thay vì cứ “phó mặc cho trời” như lâu nay. “Bây giờ, không cần nói bà con cũng tự giác thực hiện theo quy trình hướng dẫn, bởi vừa tiết kiệm giống, tiết kiệm phân bón, lại có được sản lượng nhiều gấp đôi. Hy vọng mô hình canh tác này sẽ được triển khai đến tận làng em ở A Xan, để giúp nhiều hơn cho đồng bào” - Arâl Thị Linh chia sẻ.
Hối hả thu hoạch lúa. Ảnh: Phương Giang |
Điểm sáng Tà Vàng
Nhân rộng Ông |
Không chỉ biết canh tác lúa nước theo phương thức cải tiến, đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất, Tà Vàng cũng là thôn đi đầu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở huyện vùng cao Tây Giang. Được công nhận là thôn văn hóa cấp tỉnh, Tà Vàng hôm nay trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn. Những mái tranh xập xệ trước kia nay đã được thay bằng những căn nhà gỗ bán kiên cố. Con đường bê tông dẫn đến tận từng nhà, uốn lượn quanh những cánh đồng lúa nước.
Từ vài năm nay, người dân Tà Vàng đã biết tập kết rác đúng nơi quy định, sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nhà cửa, làng bản. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều dự án, đồng bào đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho bà con… Chỉ tính riêng công trình nước sạch, toàn thôn đã được đầu tư 12 bồn chứa nước, xây dựng 5 trụ vòi, nước sạch được đưa về tận từng hộ gia đình để người dân sử dụng. Trưởng thôn Pơloong Nhốt làm một phép so sánh: “Hồi xưa khổ nhất trong làng là chuyện phụ nữ bị bệnh ngoại khoa và trẻ em ghẻ lở, chữa mãi không dứt. Nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước suối, tắm giặt ăn uống gì cũng chỉ phụ thuộc vào nguồn duy nhất ấy. Từ ngày có các công trình nước sạch, dân làng đỡ hẳn một mối lo, bắt đầu biết giữ gìn vệ sinh để khỏi mắc bệnh”. Không chỉ thế, mỗi gia đình ở Tà Vàng đều có nhà vệ sinh, thậm chí có nhà xây hẳn 2 phòng riêng cho nam nữ. Già làng Pơloong Cróh (67 tuổi) cười mãn nguyện: “Làng đổi thay nhiều rồi, đời sống cũng dần khá lên, khỏi lo đói, khỏi lo bệnh. Con cái trong thôn đến tuổi đi học được bố mẹ đưa đến tận trường. Tà Vàng chừ đẹp, văn minh không chi thua nơi khác đâu!”.
PHƯƠNG GIANG