Lan man cà phê Tam Kỳ
Những người Tam Kỳ cao niên xa quê thường nhắc đến cà phê Quán, cà phê Đợi có những năm 1960 của thế kỷ trước, giờ không còn nữa. Nhưng thay vào đó, Tam Kỳ đã có những cung đường cà phê mới, biết chừng đâu một ngày nào đó Tam Kỳ có thêm một danh xưng mới: “Thành phố cà phê”.
1. Do vị trí địa lý, Tam Kỳ được mệnh danh là “thành phố 3 núi” (nhìn từ ngoài biển vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai), “thành phố 3 sông” (sông Tam Kỳ, sông Trường Giang, sông Bàn Thạch). Người dân Tam Kỳ còn tự hào với danh xưng “thành phố sưa vàng”, bởi những ngày cuối tháng ba, những hàng sưa ở khu vực rừng cừa ven sông Tam Kỳ và một số trục đường phố chính ủ hoa rồi bừng nở. Những chùm hoa vàng óng ánh, ngào ngạt hương thơm, lấp lánh hoài niệm. Hoa sưa rắc vàng mặt đất, thành phố đẹp mê hồn, lòng người lắng đọng…
Một góc cà phê Tam Kỳ. Ảnh: LÊ VŨ |
Từ rất lâu, trà ướp lài Tam Kỳ đã là đặc sản cao cấp được trân trọng làm quà tặng nhau trong những ngày lễ hội. Cơm gà Tam Kỳ thu hút thực khách khắp nơi. Tam Kỳ còn có những món ăn bình dân như mít hông, bánh ướt gói ram... mà không phải nơi nào cũng có… Nhưng cà phê mới là câu chuyện của ký ức lẫn hiện tại. Như nhiều thành phố khác, mỗi con đường, mỗi con hẻm dù lớn hay nhỏ tại Tam Kỳ đều ken chật quán cà phê. Chưa ai thống kê thành phố có bao nhiêu quán, nhưng thử đi trên cung đường Tôn Đức Thắng chưa đến 1km đã thấy trên chục quán như Dương Cầm, Alpha, Cội Nguồn, Yaly, Duy Tân, Nguyên Hương, Tiếng Xưa, Ân Nam, Newday, Cát Miên, Garden Tino...
Vậy là giờ đây, Tam Kỳ không chỉ có hương hoa sưa mà còn cả hương cà phê quyến rũ. Từ rất lâu người Tam Kỳ có thói quen uống cà phê nóng với 2 loại: kho nóng và phin nóng. Để có cà phê kho, người ta cho bột cà phê vào cái vợt bằng vải rồi đem luộc trong nước. Cà phê kho nóng được rót ra một cái ly nhỏ xíu đậm đặc, nóng hổi và thơm phức. Đối với cà phê phin thì cho cà phê bột cho vào phin, ép bằng một tấm lưới, cho nước sôi vào để nước ngấm qua rồi nhỏ xuống ly. Bây giờ, giới trẻ ít uống cà phê nóng mà uống với đá. Dù uống nóng, uống có đá hay pha thêm sữa thì cái đậm đặc của cà phê vẫn được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay ở các quán cà phê vỉa hè, chủ quán thường pha một phin cà phê lớn hoặc kho sẵn một vợt lớn rồi chiết sẵn ra bình chờ khách. Khách đến, chỉ việc rót ra ly. Ở các quán lớn thì đủ kiểu pha chế theo yêu cầu của từng đối tượng khách.
2. Có rất nhiều từ ngữ diễn đạt phong thái uống cà phê của mỗi người: trầm tư, hào sảng, thi vị, thú vị... Vị đắng chát, hương thơm quyến rũ và sự ấm áp của cà phê lan tỏa cảm giác sảng khoái. Thật vui khi cùng với những người thân bên ly cà phê nóng ngắm nhìn từng tia nắng hồng ban mai nhảy múa trên các vòm cây xanh, hàn huyên bao nhiêu chuyện. Đối với công nhân, viên chức họ uống vội vàng hơn để kịp giờ đến nhà máy hoặc công sở. Có người chỉ thích uống một mình, nhâm nhi từng ngụm nhỏ, đọc báo để nắm bắt thông tin. Có người thích quán mở nhạc không lời để lắng nghe âm thanh thẩm thấu qua từng giọt đen sóng sánh rồi đi vào hoài niệm. Có người mượn quán cà phê để sử dụng internet miễn phí nghiên cứu học tập, để trao đổi công việc làm ăn.
Lại có người uống cà phê để… chữa bệnh. Công trình nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng chất cafein có trong cà phê có thể dùng để chế tạo thuốc chữa bệnh tim mạch và chứng mất ngủ. Với thành phần chính là axit chlorogenic, cafein có thể ổn định nhịp tim khi tim đập khác thường, khống chế các chứng đau thắt ở tim, giúp những người mất ngủ ngủ ngon hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học từ trường y tế công cộng, Đại học Havard cho thấy nam giới thường xuyên uống cà phê sẽ giảm nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
Lan man một chút để trở lại với cách mà người dân Tam Kỳ thưởng thức cà phê. Chính nhu cầu thưởng thức cà phê đa dạng như vậy nên giờ mở cửa của các quán cà phê không chỉ là buổi sáng. Những quán cà phê thường mở cửa từ sáng sớm đến tận nửa đêm. Mỗi quán có cách thu hút khách khác nhau như tổ chức “cà phê bóng đá”, “cà phê phim”, “cà phê hát cho nhau nghe”, thay đổi thể loại âm nhạc mỗi đêm, khuyến mãi... Có quán quan tâm đến bãi giữ xe, nhất là xe ô tô, chăm sóc xe như chăm sóc chính khách hàng. Hầu hết quán lớn có nội thất từa tựa nhau: hồ cá cảnh, hòn giả sơn, thác nước, cây cảnh, tranh nghệ thuật treo tường, tác phẩm điêu khắc... Giá mỗi ly cà phê cũng tùy theo quy mô của quán mà dao động từ 5 đến 15 nghìn đồng.
Thực ra người thưởng thức cà phê ở Tam Kỳ còn có những nỗi lo lớn. Đó là khía cạnh “văn hóa cà phê” và “cà phê sạch”. Xây dựng “văn hóa cà phê” cần được chủ quán và khách hàng quan tâm đúng mức. Với chủ quán cần chú ý việc trang trí nội thất, cách ứng xử, thái độ phục vụ, tổ chức các sinh hoạt ca nhạc vui chơi hỗ trợ... sao cho thật văn hóa. Ở Tam Kỳ đã có thời một số quán cà phê không thuốc lá ra đời, nhưng tiếc thay nó tồn tại không được lâu. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nỗi trăn trở của người uống cà phê. Với công nghệ hiện nay, một ly đậm đà hương vị cà phê chưa hẳn đã là… một ly cà phê. Có ai biết được mình đã uống thứ nước gì từ cái gọi là ly cà phế ấy?! Ở một số thành phố lớn, đã có những quán cà phê sạch ra đời thu hút rất đông khách. Khi ta gọi ly cà phê, chủ quán mang ra những quả cà phê nhân. Với thiết bị sẵn có, khách hàng có thể tự xay rồi tự pha chế hoặc nhờ chủ quán làm thay. Người thưởng thức cà phê an tâm “cà phê đúng là cà phê!”. Biết đâu một ngày không xa, những quán cà phê sạch ra đời đáp ứng yêu cầu chính đáng của giới thưởng thức cà phê Tam Kỳ...
Thực ra, Tam Kỳ chỉ là hình mẫu thu nhỏ của thành phố trẻ mở rộng các dịch vụ, mà cà phê là thứ dễ nắm bắt hơn cả. Nhưng nói chuyện cà phê Tam Kỳ, nơi từng xuất hiện những quán cà phê có phong cách lạ như cà phê Đợi (trên đường Phan Châu Trinh), là nói về ký ức đẹp cùng với nhu cầu mới: Cần nâng tầm thưởng thức cà phê thành một nét văn hóa riêng của người dân thành phố.
NGUYỄN BÁ HÒA