San sẻ niềm tin
Một chủ xưởng mộc đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật hay giám đốc một doanh nghiệp người nước ngoài ưu tiên cho những lao động khiếm khuyết để họ “vượt lên chính mình” là những câu chuyện “sống đẹp” giữa đời thường.
Ông Nguyễn Thành Ngôn hướng dẫn các học viên người khuyết tật trong xưởng mộc của mình. |
Ông chủ xưởng mộc tốt bụng
Đó là ông Nguyễn Thành Ngôn, chủ xưởng mộc ở khối 6, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành. Những ai lần đầu đặt chân đến xưởng mộc của ông Ngôn sẽ không khỏi ngạc nhiên: ngoài tiếng máy cưa, máy bào và tiếng đục đẽo..., xưởng mộc của ông ít có tiếng nói cười. Những người lao động trong xưởng ai cũng chuyên chú với phần việc của mình; thỉnh thoảng, họ giao tiếp với nhau bằng những hành động, cử chỉ mà chỉ họ mới hiểu. Bởi, tất cả họ đều bị câm điếc bẩm sinh. Nhờ sự chỉ bảo tận tình và tấm lòng của ông Ngôn mà họ được học nghề và có công việc ổn định trong cơ sở sản xuất mộc gia dụng của ông. Doanh thu của xưởng mộc không ổn định do nhu cầu biến động của khách hàng, nhưng các lao động vẫn được trả lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Dạy nghề cho một người bình thường đã khó, dạy nghề cho người bị câm điếc còn khó hơn. Để các em có thể thạo việc như bây giờ, ông Ngôn đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết tự mình mày mò học cách giao tiếp... bằng cử chỉ, hướng dẫn các em từng thao tác, từ cách cắt gỗ, chà giấy nhám cho đến phun sơn. Ông còn rèn luyện cho các em thói quen kỷ luật, làm việc có giờ giấc, trình tự và chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của các em. Ông Nguyễn Thành Ngôn tâm sự: “Việc làm của tôi cũng chẳng to tác gì, trong khả năng của mình thì tôi giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em có công ăn việc làm để tự nuôi sống bản thân và đỡ đần một phần cho gia đình. Tôi rất mong các cấp các ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay để mở rộng cơ sở sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật ở địa phương”.
Triết lý kinh doanh của ông chủ Tây
Ưu tiên cho người khuyết tật, hỗ trợ giúp đỡ, động viên để cho họ cảm thấy mình vẫn còn hữu ích cho xã hội, gia đình và cả chính họ nữa, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử - đó là triết lý kinh doanh của ông José Sanchet Buroso - Giám đốc Công ty TNHH Kết Đoàn (viết tắt: Công ty Kết Đoàn) có trụ sở tại Cụm công nghiệp Đông Yên, Duy Xuyên.
Công ty Kết Đoàn đi vào hoạt động cách đây gần 1 năm, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do ông chủ người Tây Ban Nha trực tiếp quản lý, chuyên sản xuất sản phẩm bảo hộ lao động xuất khẩu. Công ty hiện có 150 lao động, trong đó gần 30 lao động là người khuyết tật và thân nhân của những người khuyết tật. Trong 2 tháng đầu, công ty ưu tiên đào tạo công nhân, nhất là những lao động là người khuyết tật. Anh Nguyễn Văn Thanh (người khuyết tật quê ở Duy Trung, Duy Xuyên), công nhân của công ty cho biết: “Những lao động khuyết tật như tôi có thu nhập hằng tháng từ 2 - 3 triệu đồng. Làm việc ở đây chúng tôi có sự tự tin, thỏa mái hòa nhập cùng cộng đồng, bởi môi trường làm việc không có sự khác biệt nào dành riêng cho người khuyết tật so với người bình thường”. Theo các lao động là người khuyết tật, ngoài môi trường làm việc thân thiện, công bằng, công ty còn có chính sách ưu tiên cho người lao động giao tiếp được bằng tiếng Anh sẽ cộng thêm 3% lương. Do đó, ngoài giờ làm việc ai cũng tranh thủ học thêm tiếng Anh để vừa giao tiếp trong công việc thuận lợi, vừa có thêm thu nhập.
Công ty Kết Đoàn tổ chức cho người lao động vui đón Noel, tặng quà cho lao động xuất sắc nhân dịp Tết dương lịch và có tháng lương 13 để công nhân đón tết cổ truyền đầy đủ, ấm cúng. Một việc ý nghĩa hơn nữa mà Công ty Kết Đoàn làm được đó là mỗi lao động ở đây hằng ngày làm thêm 15 phút nhưng không tính vào lương, khoản tiền làm thêm này sẽ được đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ người lao động khuyết tật học việc và nâng cao tay nghề. Ông José Sanchet Buroso - Giám đốc Công ty Kết Đoàn cho biết: “Chúng tôi muốn mang lại cho họ sự bình đẳng, hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện để họ cảm thấy vẫn còn hữu ích cho xã hội, gia đình và cả chính bản thân”.
LÊ PHƯỚC LAN NHI