Người đan võng ở Trường Sa
Đã 23 năm trôi qua, ký ức về những ngày canh giữ biển đảo Trường Sa của Trung sĩ Huỳnh Kim Tân vẫn còn sống động và trở thành niềm tự hào của người lính “HQ 87” năm nào...
.GIỮA trưa nắng rát, hình ảnh người đàn ông nước da đen cháy ôm cậu con trai trắng nõn đu đưa trên cánh võng chừng đã khiến cho khung cảnh làng quê trở nên êm đềm xiết bao. Giọng nói ấm trầm, từ tốn nhưng cái nhìn từ ánh mắt ấy dễ thấy khí chất của người lính từng có ngót 400 ngày liên tục “bám trụ” cùng Trường Sa thân yêu. Đôi tay rắn chắc nâng niu cậu con trai vừa mấy tháng tuổi, anh cười bảo: “Trường Sa là máu thịt, tôi đến sau sự kiện 14.3.1988. Chừ tất cả kỷ vật vẫn còn!”.
Vẻ dữ dằn thoạt thấy trên gương mặt rậm râu chỉ là cảm giác ban đầu mới gặp, Huỳnh Kim Tân dễ gần đến mức chỉ nghe giọng nói đã thấy thân quen. Sinh năm 1967, lớn lên ở làng mộc - nề truyền thống Kim Bồng xứ Quảng, từ nhỏ, anh đã có biệt danh “Tân Đen” bởi nước da cháy nắng và bơi như… rái cá. Chính biệt tài sông nước đã tạo nên cái duyên cho “Tân Đen” làm người lính hải quân vào ngày 9.2.1987.
“Những tháng ngày huấn luyện, tôi thuộc phiên chế Lữ đoàn 126 Vùng 3 Hải quân, chuyên mảng thể dục thể thao. Ngay sau sự kiện Gạc Ma 14.3, tôi được cấp 1 khẩu AK, 4 quả lựu đạn cùng 1 bình đông lên tàu, phiên chế Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146 Vùng 4 bán đảo Cam Ranh. Hơn 4 ngày 4 đêm vượt sóng, tôi có mặt ở đảo chìm Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Đó là những tháng ngày ý nghĩa và làm đầy phần còn lại của cuộc đời tôi cho đến bây giờ” - anh Huỳnh Kim Tân kể.
Cựu lính đảo Huỳnh Kim Tân với chiếc võng được đan trong những tháng ngày ở đảo chìm Len Đao.Ảnh: QUỐC HẢI |
Đôi mắt anh trở nên xa xăm. Thời trai trẻ sôi nổi và quyết liệt ấy đã khắc lên nhiều vết chân chim rõ nét trên gương mặt sạm đen của anh. Trong hàng chục anh em nhập ngũ “HQ 87” ở Quảng Nam - Đà Nẵng, phần lớn đều là lính công binh, đến các đảo xây dựng rồi rút vào đất liền. Chỉ mỗi Huỳnh Kim Tân trở thành lính chiến “nằm canh trời biển” trên cái nhà chồ 4 chân, cao 3,5m bằng sắt, sau đó được xây lại thành “nhà lâu bền” lục giác có 3 tầng. Tầng dưới cùng chứa nước ngọt, tầng 2 chứa vũ khí, lương thực, tầng 3 dùng làm nơi ở cho 11 người gồm cả sĩ quan, bác sĩ, cơ yếu và chiến sĩ.
Trên cụm đảo chìm Len Đao rộng chừng 1km2, Trung sĩ Huỳnh Kim Tân được giao tham gia bảo vệ đảo với khẩu B41 cùng 4 viên đạn. Mỗi sớm mai thức dậy với ánh mặt trời, sau những “nghi thức” của lính chiến, “Tân Đen” cùng anh em chiến sĩ đi “cải thiện” đời sống. Theo anh, vui nhất là những mùa nước triều lên ban đêm, cá đi ăn chui xuống san hô bàn, sáng ngày nước xuống, tôm càng, cá nhám rạn, cá mú, cá thu... mắc lại. Anh em dùng cây nhọn xiên cá mang về. Anh Tân nói: “Thư nhà 6 tháng mới nhận được một lần. Ngoài nhiệm vụ của người lính đảo, tôi và Trung sĩ Nguyễn Đình Hải (quê Hải Phòng) có thêm một việc rất ý nghĩa là... đan võng”.
Thật ngạc nhiên, đã 23 năm trôi qua, tất cả tư trang của Huỳnh Kim Tân đến giờ vẫn còn mới tinh. Khi được đề nghị chụp hình lưu niệm, anh cẩn thận mở tủ lấy ra cả chục kỷ vật. Từ giấy xuất ngũ, mấy con ốc nón, đặc biệt là bộ quân phục hải quân phẳng lỳ nếp gấp. |
Những lần tranh thủ lặn ốc nón, hai anh đã vớt dây neo to cỡ khủy tay mắc dưới các rạn san hô về mở ra dùng đan võng. Đây là những đoạn dây neo tàu nên rất bền chắc. Sau 14 tháng “bám trụ” trên đảo, hai anh đã lấy cây thông nòng 12ly làm đòn treo đan tổng cộng 14 chiếc võng, mỗi chiếc dài 2,5m. “Ngay ngày xuất ngũ, chúng tôi đã tặng cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm Len Đao mỗi người một chiếc. Thiếu tá Hoàng Minh Dũng - thủ trưởng của chúng tôi lúc ấy rất quý chiếc võng. Riêng tôi và Trung sĩ Nguyễn Đình Hải mỗi người mang về 2 chiếc. Vẫn dùng đến bây giờ” - anh Tân kể.
“Tôi rất tự hào vì những ngày tháng ấy và quyết giữ cho được tất cả kỷ vật về một giai đoạn đáng nhớ của đời người lính Trường Sa. Giờ đây, anh em của thuở ấy luôn gắn bó, mỗi người một hoàn cảnh sống nhưng lúc nào cũng ấm tình đồng đội, sẵn sàng chia sẻ, động viên nhau những lúc khó khăn” - anh Tân chậm rãi nói.
Lúc chia tay với người lính “HQ 87”, cậu con trai mấy tháng tuổi của anh đã đi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Huỳnh Kim Tân xếp gọn các kỷ vật cho vào trong tủ, nhẹ nhàng ôm con nằm lên chiếc võng được đan giữa nghìn trùng biển khơi năm xưa. Trong nhịp võng ấy, tình cha con cùng những nỗi khát khao của đời người chừng như đã hòa chung niềm thương yêu thiết tha của một người đã đi qua những tháng ngày đáng nhớ.
QUỐC HẢI