Sân chơi cho người khuyết tật
Lần thứ 2, Sở VH-TT&DL phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) thể thao người khuyết tật tỉnh tổ chức giải Thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Nam năm 2013 (vừa diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh). Dù là sân chơi phong trào nhưng các trận đấu tại giải khá sôi nổi, thể hiện tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn của những vận động viên (VĐV) khuyết tật.
Các vận động viên tại giải thể thao người khuyết tật tỉnh năm 2013.Ảnh: TƯỜNG VY |
“Tàn nhưng không phế”
Từng đại diện cho tỉnh dự tranh giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và nay đã khá lớn tuổi nhưng VĐV Lê Thanh Sơn (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An) vẫn tỏ ra rất nhiệt tình khi góp mặt tại giải đấu lần này. Dù vết thương nơi chân trái mấy chục năm rồi thỉnh thoảng vẫn còn quay trở lại hành hạ nhưng ông chưa bao giờ có suy nghĩ “bỏ” chơi thể thao, đặc biệt là môn cầu lông mà mình yêu thích. Chứng kiến hình ảnh ông Sơn ngã nhào xuống sân trong nỗ lực cứu cầu khi thi đấu mới cảm nhận hết được niềm say mê và quyết tâm thể hiện mình của những người không có được thân thể lành lặn. Đây là lần thứ 2 người đàn ông sắp bước vào tuổi 60 này tham gia sân chơi dành cho người khuyết tật toàn tỉnh và giành được giải ba - một phần thưởng xứng đáng cho tinh thần “tàn nhưng không phế”. “Sẽ có rất nhiều khó khăn cho người khuyết tật chơi thể thao, nhất là những môn thi đấu đòi hỏi thể lực cùng việc di chuyển nhiều như cầu lông. Tuy nhiên, nếu ai đam mê và nỗ lực vượt khó thì những cản ngại đó không quan trọng lắm, thậm chí nhiều lúc thi đấu không nghĩ mình bị khuyết tật” - ông Sơn chia sẻ.
Có một điều khá đặc biệt là phần lớn VĐV tham gia giải lần này đều là những người đã khá lớn tuổi. Dẫu vậy, ở họ lại toát lên niềm yêu đời và sôi nổi khi được thể hiện khả năng của mình tại ngày hội thể thao lớn của tỉnh, mà hiếm hoi lắm mới được tổ chức này. Đến từ huyện Nông Sơn, VĐV thuộc hàng U60 Lê Minh Hai cho biết, rất vui khi được UBND huyện tạo điều kiện cho xe đưa xuống Tam Kỳ để tham gia giải. Không giành được giải thưởng nào trong lần thứ 2 góp mặt nhưng theo VĐV này, phần thưởng lớn nhất đối với ông là được gặp mặt, giao lưu với anh em đồng cảnh ngộ tại các địa phương trong toàn tỉnh. “Nói tham gia giải mà không quyết tâm giành giải thưởng là nói dối. Tuy nhiên, nếu không có giải thì cũng vui vẻ vì khả năng của mình chỉ có chừng nớ. Năm sau nếu có sức khỏe và địa phương tạo điều kiện sẽ cố gắng tham gia, vì ngoài được thi đấu, chúng tôi đến đây còn có dịp giao lưu bằng câu hát câu hò thì còn chi vui bằng” - ông Hai nói.
Trong số 7 huyện, thành phố tham gia giải năm nay, TP.Hội An là địa phương có số lượng VĐV đông nhất với 6 VĐV, nhưng Tiên Phước lại là đơn vị gặt hái được thành tích cao nhất. Chỉ đưa đi 2 VĐV tham gia giải là Nguyễn Ngọc Hùng ở môn cờ tướng và Tạ Trúc môn cầu lông, Tiên Phước đã giành cả 2 giải nhất (đây cũng là lần thứ 2 họ giành giải nhất, sau giải năm 2012). |
Các trận đấu tại giải thể thao dành cho người khuyết tật vừa qua diễn ra khá sôi nổi, hấp dẫn, có chất lượng, đặc biệt là đầy ắp tiếng cười. Dù những bước đi chuyển có phần chậm chạp nhưng động tác kỹ thuật của các VĐV môn cầu lông vẫn tỏ ra khá khéo léo. Chứng kiến các trận đấu tại giải, một cán bộ ngành TDTT cho rằng, các VĐV khuyết tật có trình độ chuyên môn khá cao, thậm chí “nếu thi đấu với nhau thì nhiều người bình thường cũng “khổ” với họ”.
Bài toán kinh phí
Cuối năm 2011, CLB thể thao người khuyết tật tỉnh được thành lập đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. CLB là nơi để những người khuyết tật bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, xây dựng và phát triển phong trào TDTT, góp phần tạo điều kiện cho các năng khiếu có được môi trường tập luyện, thi đấu, phát triển tài năng. Rõ ràng, việc thành lập CLB có rất nhiều ý nghĩa, nhất là tạo điều kiện cho người khuyết tật cả tỉnh có được sân chơi thể thao vốn lâu nay không được quan tâm tổ chức, kể cả cấp tỉnh.
Sau khi CLB thành lập, phong trào TDTT đối với người khuyết tật có chiều hướng phát triển khá tốt. Nhiều địa phương cũng đã thể hiện sự quan đến người khuyết tật qua việc đưa các đoàn VĐV tham gia giải do tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với hoạt động của CLB lại là chuyện kinh phí. Qua 2 năm thành lập, CLB đã cùng với Sở VH-TT&DL tổ chức được 2 giải đấu với các môn thể thao được nhiều người khuyết tật tập luyện hiện nay là cầu lông và cờ tướng. Dù vậy, kinh phí tổ chức giải đấu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Sở VH-TT&DL, mà cụ thể là Trung tâm TDTT tỉnh. Năm trước, CLB xin được ít tiền từ các doanh nghiệp để cùng tham gia với Trung tâm TDTT tỉnh tổ chức giải, khen thưởng cho các VĐV đoạt giải. Còn năm nay, khi CLB không tìm được nguồn tài trợ, Trung tâm TDTT tỉnh phải lo toàn bộ kinh phí. Theo ông Võ Anh Tuấn - Chủ nhiệm CLB, do không có kinh phí hoạt động nên để tổ chức giải phải trông chờ vào sự quan tâm giúp đỡ của ngành TDTT, còn CLB chỉ làm cầu nối để động viên các VĐV tham gia giải. “CLB không có tiền, trong khi các địa phương lại thiếu sự quan tâm hỗ trợ cho VĐV khuyết tật nên việc tham gia giải là rất khó khăn. Giải năm nay, dù đã tích cực vận động nhưng số VĐV cũng như địa phương tham gia còn khá ít” - ông Tuấn chia sẻ.
TƯỜNG VY