Bản nhỏ ngày thường…

NAM KHA 27/04/2013 09:03

Những nương chiều vàng, rừng hoa trẩu trắng rụng đầy mặt đất và bàn tay mỹ cảm của phụ nữ Cơ Tu… nơi bản nhỏ Đhờ Rôồng (Tà Lu, Đông Giang) có thể xem là “điểm đến” để du khách khám phá.

Từ  Đà Nẵng, theo quốc lộ 14G du khách vượt 80km đường sẽ đến Tà Lu. Nương chè buổi sớm, thị tứ dọc đường bụi bặm lùi dần phía sau, để rồi bất ngờ “chạm” đến Đhờ Rôồng. Nhóm người trong nhóm “phượt” lần đầu lên vùng cao ngạc nhiên trước những nương lúa vàng bậc thang và khu rừng đầy hoa trẩu trắng rụng đầy phía cuối dốc qua làng, đẹp như tranh vẽ. Nhà cửa đủ loại, từ nhà xây, nhà sàn đến nhà lầu gỗ… trên mỏm đồi nhỏ nhìn xuống thung lũng. Thế giới yên bình ấy có người ê a học tiếng Anh ở gươl, trẻ vui đùa nghịch cát và người ngồi dệt vải, đan lát dưới mái nhà sàn… Những người theo tour thám hiểm ngạc nhiên khi con đường chỉ dừng lại trên đỉnh đồi để tiếp nối những con đường nhỏ đầy cỏ dại, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ dưới thung sâu hoặc cheo leo như treo mình trên sườn đồi đóng kín cửa, không có bóng người.

Du khách dạo chơi quanh làng.
Du khách dạo chơi quanh làng.

Họ đi qua những con đường nhỏ, thấp thoáng bóng mế già bé nhỏ, lụi cụi trên thung vắng rồi mất hút đâu đó phía bìa rừng để lách qua dòng suối nhỏ đến tận thượng nguồn. Tiếng suối róc rách như mời gọi, nhưng Bhriu Pi gùi củi đang nghỉ chân bên suối nói rằng phải mất 3 giờ ngược suối mới đến được ngọn nguồn. Cần người dẫn đường cũng không được, vì hiện giờ dân làng đã đóng cửa để vào những Zơng (căn nhà nhỏ nơi nương rẫy ở rừng sâu) lo mùa màng. Vậy là nhóm du khảo phải quay trở lại trong sự tiếc nuối…

 Hình ảnh của làng và sự độc đáo của thổ cẩm, đan lát đã khiến cho những người làm dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở Quảng Nam” của ILO đã quyết định mở lớp tập huấn, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh homestay, quảng bá sản phẩm của làng.

Đhờ Rôồng trở nên thú vị chưa hẳn ở suối mát hay phong cảnh làng đẹp, mà còn “nằm” ở nét quyến rũ của các sơn nữ bên hiên nhà dệt vải và người già ngồi đan bên nhà sàn. Một già làng cao niên cho hay, khoảng 40 năm trước, một nhóm tộc người Cơ Tu trên rẻo cao ở Zơ Mơ, A Rớt, A Tiêng, A Nông, Bha Lêê nằm giáp biên giới Việt - Lào đã di cư xuống vùng rừng Hiên thấp (giờ là Đông Giang) và chọn nơi này để lập làng. Nhưng cho tới giờ, 110 hộ với 300 nhân khẩu của làng vẫn không có thu nhập gì ngoài nghề nông nghiệp hỏa canh (phát, đốt nương làm rẫy). Nghề đan lát mang theo những ngày di cư ấy chỉ để dành cho những ngày nông nhàn, những người đàn ông đan gùi, salac, sử dụng trong gia đình, tặng người thân hoặc trao đổi một ít với người làng bên… cũng dần “rơi rụng” vì không còn ai muốn học, nên có thể sẽ thất truyền. Còn nghề dệt truyền thống trồng bông, kéo sợi, dệt vải, đưa từng hạt cườm chì, cườm nhựa vào từng sợi chỉ để tạo ra mô típ hoa văn độc đáo cũng đã thay bằng vải sợi công nghiệp và người thợ dệt chỉ còn giữ lại đôi tay mỹ cảm và “khung dệt” bằng tre truyền thống.

Các sinh hoạt hằng ngày: đan lát, giã gạo, bứt mây, gùi củi.
Các sinh hoạt hằng ngày: đan lát, giã gạo, bứt mây, gùi củi.

 Hình ảnh của làng và sự độc đáo của thổ cẩm, đan lát đã khiến cho những người làm dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở Quảng Nam” của ILO đã quyết định mở lớp tập huấn, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh homestay, quảng bá sản phẩm của làng. Họ hy vọng với những mẫu sản phẩm hiện đại kết hợp với văn hóa truyền thống sẽ giúp dân làng có thêm thu nhập, để người dân vẫn tiếp tục giữ lửa truyền nghề và nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo văn hóa.

Rời làng, những người thám hiểm cho biết dù chưa được liệt kê trong danh sách những điểm đến nổi tiếng của du lịch Quảng Nam, nhưng hy vọng làng sẽ sớm trở thành điểm thu hút nhiều du khách đến thăm và khám phá.

NAM KHA

NAM KHA