Còi lệnh độc đáo ở Lý Sơn

TRUNG VIỆT 27/04/2013 08:07

Ông già hai tay nâng con ốc đưa lên  ngang mặt và lập tức từng hồi u u trầm vang. Gương mặt sạm đen một đời đi biển như dồn lại với những nếp nhăn, cuộn lên rồi giãn ra như sóng.

Tiếng u u như dội từ lòng biển, tan ra trên sóng và chìm khuất trong gió như tiếng gọi nghìn trùng. Tôi nhìn và nhớ những tù và rúc lên từ chiến địa giao tranh trên sa mạc, những cánh rừng già gọi đàn hoang dã, cả những tiếng hú, tiếng kêu báo hiệu khúc khải hoàn lẫn tang thương, rồi rúc lên từng hồi biệt ly nhớ nhung từ đây. Lần đầu tiên, tôi nghe “tù và ốc u” từ biển, cảm giác đối mặt sinh tử ùa về…

Ông Võ Chú và “còi lệnh”. Ảnh: TRUNG VIỆT
Ông Võ Chú và “còi lệnh”. Ảnh: TRUNG VIỆT

Ông là Võ Chú, nhân vật trong bức ảnh một thầy giáo tại Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vừa đoạt giải ảnh về biển đảo, in trên báo Tuổi trẻ. Tôi ra Lý Sơn, mấy đồng nghiệp ngoài này cười ồ, là đúng ổng chứ không phải là ông Tín nào đó mà người chụp chú thích nhầm. Một ông già đang ngồi trong đình An Vĩnh  nói: “Chỉ có tiếng ốc u mới phân biệt được, nghe được giữa sóng! Kỳ lạ. Ốc đó hiếm, con nào được chọn làm tù và để thổi nặng từ 3 - 4 kg, nó sống trong hang, mò lặn khó gặp. Ở Lý Sơn này, người ta gọi là thổi ốc u chứ không phải tù và. Ông cụ kể thêm, trong lễ, khi có lệnh của pháp sư mới thổi, nó như chuông báo động, được cha ông nghĩ ra từ thuở giặc Tàu Ô. “Anh thổi được không?” - tôi hỏi ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh. Ông Bút lắc ngay: “Không, rát tóp má. Chú xuống nói ông Chú thổi cho nghe, điệu nghệ đó”.

Khách thử thổi ốc u.
Khách thử thổi ốc u.

Ông Chú mặc áo, mở tủ lấy con ốc. Loài ốc gai, loại to mà  thỉnh thoảng ta thấy nhà ai đó đem chưng trong tủ kính, nhưng được cắt phần đít để đường kính chỗ thổi to hơn, vừa với miệng người thổi. “Tôi thổi lâu rồi, trước giải phóng kia, đi biển thời đó làm chi có điện thoại, ở xa cả cây số, kêu ai nghe? Chỉ còn dùng ốc thổi thôi”, ông kể, “Khó, mệt tổ cha, phải ém hơi, đưa sang một bên miệng ép gần như ngược hơi trên phía miệng, nó tác động vào thành ốc mới ra tiếng chứ không phải phùng mang trợn mắt đâu”. Nghĩ ra còi này, người ta tiếp tục đặt ra qui ước như ngắn, dài, hối thúc. Khi tàu xuất bến, thổi 3 hồi dài. “Xa lắm, hơn cả cây số vẫn nghe được”. “Sao  là ốc này mà không là ốc khác?”, tôi tò mò. Ông Chú giải thích: “Thử đủ loại mới chọn được, nó thanh và vang xa”. “Thổi lên u u, nghe loạn, biết đâu mà nghe?”. “Nghe hết, quen là hiểu. Bắt được trộm, thổi 3 tiếng u u và 1 hồi dài. Khi đổi quân, thổi 3 hồi dài. Gặp địch, thổi 9 tiếng. Họp thuyền, 6 tiếng”. Ông Bút thêm vào: “Xã tôi có 4 thôn, mỗi thôn 1 trung đội dân quân tuần tra, mỗi trung đội có 4 ốc u”.  Ông Chú cười khà khà: “Đứa nào đi tuần mà trốn tránh, tôi thổi 3 tiếng mà không thổi đáp lại là tôi thổi tiếp một hồi dài, rồi ngắn, sau đó thổi thét một tiếng, tìm đến nhà ngay”. “Nhưng lỡ nó ở đông mà quay miệng ốc lên tây, cứ như đang ở tây, biết sao được?”. “Đừng giỡn, nghe tiếng u trong gió, biết ngay liền. Chú không thổi không biết đâu, nghe ốc biết người, không giả được, bởi tiếng nói không ai giống ai, nhiều đứa cà chớn thổi bậy để lừa, tôi biết liền. Chúng tôi đi tuần tra, nghe tiếng ốc là biết ai thổi ngay”. Mấy ông già gật lia lia.

Tiếng ốc đã theo những ngư dân Lý Sơn bám biển, lắm khi trở thành vật cứu tinh, là chiếc phao lúc nguy khốn hải trình, là tiếng còi tiếng chuông đánh thức cộng đồng khi sự bình yên bị khuấy động. “Nghe được hết. Tàu mà có hề  gì là thổi ngay ba hồi ngắn gấp gãy, bạn tàu nghe được chạy đến ngay. Lúc ra quân là thổi thúc giục. Không có nó, chắc chết nhiều phen”. Lễ khao lề sắp tới, ông Chú lại thổi. Tôi theo ông ra biển. Trưa nắng ong, chiều lòng khách, ông lại thổi. Tiếng ốc u u như suy tư, tâm tình nối dài của dân biển. “Giờ đi biển, không ai dùng nữa, nhưng trên bờ đi tuần không bỏ được, thổi đầu xóm cuối xóm nghe đó!”, ông tâm tình.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ra đây tôi mới chứng thực trọn vẹn câu đó, nhưng không phải ăn cơm nhà làm việc không công. Chút tự hào thầm kín trong đôi mắt già nua khi ông ngừng thổi, mấy anh em xúm lại  thổi thử nhưng cứ đứt quãng…

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT