Xây nhà máy ở quê

DIỄM LỆ 26/04/2013 08:26

Từ năm 2007, đến nay Công ty Dệt may thương mại Tấn Minh đã phát triển chuỗi Xí nghiệp May Ánh Sáng được 5 nhà máy. Chiến lược cơ bản làm nên sự thành công của công ty chính là chủ trương đưa nhà máy về quê giúp người dân “ly nông mà không ly hương”.

Quay về

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, những người con Quảng Nam xa xứ đã thành lập Công ty Dệt may thương mại Tấn Minh giữa thương trường TP.Hồ Chí Minh đầy sự cạnh tranh khốc liệt. Thời ấy, Ban giám đốc của Tấn Minh đã xây dựng công ty có được một chỗ đứng khá vững giữa đất Sài thành, là 1 trong 5 doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh có giấy phép xuất khẩu hàng trực tiếp ra nước ngoài. Cũng vào thời điểm ấy, ông Trương Đức Thịnh vừa đi học, vừa được tiếp xúc, học hỏi trong môi trường làm việc chuyên nghiệp của Tấn Minh. Ông lần lượt học trong ngành dệt may qua các công việc nhuộm vải, dệt và in bông, xuất nhập khẩu. Đến năm 1999, ông được học qua khóa quản lý hệ thống sản xuất và phát triển ngành may, từ đó bắt đầu làm công việc quản lý. Hồi ấy, Tấn Minh có trụ sở ở quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh), toàn công ty có 9 chuyền may với 320 công nhân (CN), chủ yếu là lao động người Quảng Nam.

Chuỗi Xí nghiệp May Ánh Sáng được đưa về quê, giúp công nhân yên tâm làm việc. Ảnh: D.L
Chuỗi Xí nghiệp May Ánh Sáng được đưa về quê, giúp công nhân yên tâm làm việc. Ảnh: D.L

Đến năm 2002, Tấn Minh có thêm nhà máy ở huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh), ông Thịnh được Ban giám đốc tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý nhà máy mới với 600 CN (70% CN người Quảng). “Là người trực tiếp quản lý, tôi hay trò chuyện với CN để hiểu họ hơn. Đặc biệt, đối với CN là đồng hương của mình, tôi thấy họ cũng chung cảnh xa quê nên nỗi nhớ quê lúc nào cũng đong đầy. CN xa quê gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống bởi có hàng trăm nỗi lo đè lên đôi vai họ. Đó cũng là xuất phát điểm để sau này Ban giám đốc công ty quyết định quay về quê để đầu tư phát triển ngành may” - ông Thịnh tâm sự.

Năm 2004, trong một lần về họp xây dựng tộc họ ở Duy Xuyên, ông Lê Trung Hoan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tấn Minh biết được Duy Xuyên chuẩn bị xây dựng cụm công nghiệp Lang Châu Nam, đang kêu gọi các doanh nghiệp, con em ở xa trở về đầu tư xây dựng quê hương. Lúc ấy, Tấn Minh đang có dự định đầu tư thêm một số nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương nhưng Ban giám đốc quyết định dừng lại, tập trung đầu tư về Quảng Nam.

Thành công trên đất Quảng

Khi xây dựng nhà máy ở Quảng Nam, ông Thịnh đã xung phong được đi về thường xuyên giữa Quảng Nam và TP.Hồ Chí Minh để giúp công ty hoàn thành việc xây dựng Xí nghiệp May Ánh Sáng 1 (Cụm công nghiệp Lang Châu Nam, xã Duy Phước, Duy Xuyên). Với tâm niệm “thay vì một người phải đi về thường xuyên còn hơn đưa mấy trăm con người đi về mỗi năm”, ông Thịnh không quản ngại đường xa, đi lại liên tục để xây dựng nhà máy tại quê hương, giúp CN không phải tha hương. Khi Ánh Sáng 1 hoạt động ổn định, năm 2009 Xí nghiệp May Ánh Sáng 2 tiếp tục được xây dựng tại Cụm công nghiệp Kế Xuyên (Quán Gò, Thăng Bình). Lúc này, công việc tăng gấp đôi, ông Thịnh quyết định đưa cả gia đình quay về quê để có thời gian hơn cho công việc.

Công việc tiến triển thuận lợi, lần lượt các Xí nghiệp May Ánh Sáng 3, 4, 5 tiếp tục ra đời tại Hội An, Duy Xuyên, Quế Sơn với 1.200 lao động làm việc ổn định. Chủ trương của Tấn Minh là đến năm 2015 sẽ có chuỗi xí nghiệp gồm 7 nhà máy hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động của quê hương, trong đó sẽ có nhà máy sản xuất phụ liệu ngành may. Ông Thịnh nói: “Làm sao để bà con nông dân ly nông mà không ly hương chính là mục tiêu của công ty. Khi bà con không ly hương, họ yên tâm làm việc, góp phần rất lớn cho sự thành công của công ty. Vì thế, việc đưa các nhà máy với quy mô từ 200 - 500 lao động về quê là định hướng phát triển của công ty”. Ý tưởng này của ông Thịnh đã được Ban giám đốc Tấn Minh tin tưởng và ủng hộ trong thời gian qua, vì thế mà nguồn lao động của Ánh Sáng chỉ có tăng đều qua các năm chứ không sụt giảm.

Ông Thịnh cho rằng thành công của Tấn Minh tại Quảng Nam là nhờ vào sự quyết tâm của tất cả cán bộ, công nhân viên của toàn hệ thống. Ngoài ông Thịnh còn có rất nhiều cán bộ, công nhân viên đã từng làm việc cho công ty ở TP.Hồ Chí Minh, giờ về làm tổ tưởng, chuyền trưởng, quản đốc phân xưởng, kỹ thuật... Khi Tấn Minh áp dụng hệ thống sản xuất kéo của Nhật Bản, tinh thần làm việc tập thể, tính cạnh tranh luôn là yếu tố không thể thiếu giữa các chuyền sản xuất. Khi một CN cảm thấy trình độ tay nghề vững vàng, có thể xin công ty cho thi nâng bậc tay nghề để hưởng mức lương cao hơn. Nhờ công nghệ mới này mà CN ổn định được nguồn thu nhập, giảm thời gian làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho kế hoạch xuất hàng của công ty. Từ đó người lao động có được tác phong công nghiệp với trình độ chuyên môn, tay nghề cao hơn.

Mỗi xí nghiệp đi vào hoạt động, ông Thịnh xúc tiến ngay việc thành lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và cũng là tổ chức giúp ích rất nhiều cho ông trong việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động. CN nghèo gặp khó khăn về nhà ở được xí nghiệp hỗ trợ kinh phí xây nhà, con em người lao động học khá, giỏi hàng năm đều được xí nghiệp khen thưởng bằng tập vở hay hỗ trợ học phí. Đặc biệt, ở Xí nghiệp May Ánh Sáng 1, ông Thịnh đã phát động và thực hiện thành công việc chào cờ đầu tuần ngay tại xưởng làm việc từ tháng 4.2012.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ