Một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng: Chuyển biến từ trong Đảng
Sau một năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả tỉnh. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Nam về những kết quả bước đầu sau một năm Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết:
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là nghị quyết rất quan trọng, thể hiện rõ chủ trương, quan điểm của Đảng đối với những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Chủ trương này nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Qua một năm thực hiện, nhận thức về công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên được nâng lên. Từ đó, mỗi cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhận ra được những hạn chế, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lãnh đạo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo các cấp có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và Đảng bộ tỉnh.
- Sau khi tiến hành đợt sinh hoạt sâu rộng nhằm kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm những mặt tồn tại, gây bức xúc trong dư luận những năm trước như: công tác quản lý bảo vệ rừng, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, một số vụ việc phức tạp về công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư,... Đồng chí nhìn nhận như thế nào về những kết quả đạt được trong lĩnh vực này?
Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Quảng Nam về triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).Ảnh: DOÃN HOÀNG |
- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ:
Sau hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xử lý ngay một số vấn đề tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác khai thác khoáng sản từng bước thực hiện đúng quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều đợt truy quét, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác vàng sa khoáng. Những tồn tại trong công tác quản lý đất đai được tập trung xử lý và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực này. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã và đang kiểm tra xử lý một số cán bộ, đảng viên sai phạm. Những hạn chế trong việc tái định cư cho nhân dân vùng triển khai dự án thủy điện, những vấn đề liên quan đến tài chính, ô nhiễm môi trường, sai phạm trong việc giải quyết chế độ theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ,... gây bức xúc đã được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm và được dư luận đồng tình.
- Công tác cán bộ, trong đó có việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị là một trong những nhóm giải pháp quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt ra. Xin đồng chí cho biết, Tỉnh ủy đã và sẽ tiếp tục có những giải pháp nào trong thời gian tới để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ của tỉnh?
- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ:
Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, là một trong 3 khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc chủ trương của trung ương và của tỉnh về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung hoàn thành quy hoạch nhân sự cấp ủy các cấp và các chức danh chủ chốt của tỉnh, thành phố, huyện, xã, cơ quan nhiệm kỳ 2015 - 2020; bố trí, sắp xếp, phân công lại nhiệm vụ để củng cố cán bộ lãnh đạo tại các địa phương, đơn vị. Thực hiện tích cực đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về “Đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc ít người”, đề án tạo nguồn cán bộ ở cơ sở của tỉnh để bổ sung cán bộ cấp cơ sở và khu vực miền núi.
Tỉnh ủy chủ tương đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cán bộ, tăng cường trách nhiệm cho các cấp ủy đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý cán bộ và đánh giá cán bộ. Bổ sung, hoàn thiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, mở rộng quyền đề cử và ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn. Đồng thời, thực hiện tốt cơ chế chính sách cán bộ; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo, luân chuyển, thu hút cán bộ phù hợp với điều kiện thực tế để động viên, khuyên khích, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và sử dụng đội ngũ cán bộ có hiệu quả.
- Thưa đồng chí, thời gian gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Chủ trương này được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Theo đồng chí, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần phải có những biện pháp nào để quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình?
- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ:
Thực hiện chủ trương của tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc, thời gian qua các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo được chuyển biến tích cực trong việc nâng cao hiệu quả, ý thức trong thực thi công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm, còn một số cán bộ, công chức thực hiện giờ giấc làm việc chưa nghiêm, vắng mặt tại nơi làm việc không có lý do, uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa,… làm ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả, chất lượng công tác, suy giảm lòng tin của nhân dân.
Để quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết phải tập trung giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức trong việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức, các quy định của nhà nước trong thi hành công vụ và nhiệm vụ được phân công. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu khi để cán bộ cấp dưới vi phạm. Nghiên cứu đưa tiêu chí thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Đó cũng là tiêu chí làm cơ sở trong việc bình xét tổ chức đảng, đảng viên và cán bộ, công chức cuối năm để nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công vụ, hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
- Xin cám ơn đồng chí!
NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)