Ngày hội đọc sách

Kim Oanh 24/04/2013 08:20

Hôm qua 23.4, khắp nơi trên thế giới tưng bừng các hoạt động nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới nhằm tôn vinh văn hóa đọc, ngành xuất bản và quyền sở hữu trí tuệ.

Ý tưởng về Ngày Sách bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở xứ sở Catalonia của Tây Ban Nha. Đó là vào ngày 23.4 hằng năm - ngày lễ Thánh Goerge (một trong 14 vị thánh giúp con người chống lại các loại bệnh tật, theo quan niệm của người dân địa phương), rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức. Ngày này, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách. Hơn nữa, ngày 23.4 còn là ngày mà cả 3 đại văn hào của thế giới là Miguel De Cervantes (tác giả bộ tiểu thuyết bất hủ Don Quixote), Wiliam Shakespear (nhà viết kịch thiên tài của nước Anh) và Inca Garcilaso De la Vega (sử gia người Peru) qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác bất hủ.

UNESCO luôn khuyến khích và tôn vinh văn hóa đọc ở giới trẻ. (Ảnh: Timeandate)
UNESCO luôn khuyến khích và tôn vinh văn hóa đọc ở giới trẻ. (Ảnh: Timeandate)
Nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới năm nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố 15 kỷ lục về xuất bản dành cho các đơn vị phát hành sách như: Xuất bản bộ sách điện tử đa phương tiện đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật); NXB đầu tiên xuất bản Bộ sách ảnh 54 dân tộc Việt Nam (NXB Thông tấn); Công ty sách đầu tiên khởi xướng và liên tục triển khai Tết sách 23.4 tại Việt Nam (Thái Hà Books)… Ngoài ra, nhiều kỷ lục dành cho các cá nhân, tác giả với những đầu sách hay: Cuốn sách viết về quốc hiệu, cương vực và tập hợp số lượng bản đồ cổ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhiều nhất - quyển “Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực - Hoàng Sa - Trường Sa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; Người viết sách lịch sử võ học Việt Nam đầu tiên - võ sư Phạm Đình Phong với quyển Lịch sử võ học Việt Nam - Từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ XXI…

Trong đời sống tinh thần của nhân loại, sách được ví như chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy thắp sáng nguồn tri thức vô biên và đọc sách vì thế từ lâu đã trở thành một nhu cầu tự nhiên của xã hội loài người. Đại văn hào người Nga M.Gorki (1868-1936) đã viết: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khác cuộc sống”. Còn nhà văn Nga Oxtoropxky (1823-1886) khẳng định: “Sách có thể ít đi một chút nhưng phải tốt đẹp hơn, không nên đặt một cuốn sách tầm thường lên giá sách, đừng ăn cắp thời gian của người lao động”.

Năm nay, thủ đô  Băng Cốc của Thái Lan được trao danh hiệu “World Book Capital 2013” (Thủ đô Sách thế giới 2013) vì “sự sẵn sàng của thành phố trong việc gắn kết các bên liên quan, các nhân tố khác nhau trong chuỗi cung cấp sách của một loạt các dự án được đề xuất; sự cam kết ở mức độ cao thông qua nhiều hoạt động triển khai các chiến lược văn hóa đọc lấy cộng đồng làm trung tâm, có nhiều hoạt động chất lượng cao trong việc quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc”. Dịp này, bà Irina Bokova - Tổng giám đốc của tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học (UNESCO) cũng vừa gửi đi thông điệp rằng, sách giống như những người bạn tâm giao để chúng ta có thể lưu lại và truyền đi những thông tin quý giá trên các lĩnh vực từ văn hóa, giáo dục, khoa học đến tất cả các thông tin khác giữa các quốc gia… Dù cho hệ thống sách điện tử đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm nay nhưng những cuốn sách bìa cứng vẫn chứng tỏ “sức mạnh” của mình và vẫn là sự lựa chọn của đông đảo người đọc. Do đó, UNESCO mong muốn “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc.

Kim Oanh

Kim Oanh