Triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
UBND tỉnh vừa có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, sở, ngành, hội đoàn thể triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm gồm cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), dịch lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở heo. Cụ thể: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý và khẩn trương củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đại dịch cúm ở người từ huyện đến xã; giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập trái phép vào địa bàn, đặc biệt đối với các huyện Nam Giang và Tây Giang có đường biên giới với nước Lào. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát dịch cúm trên đàn gia cầm, đàn chim yến nuôi trong nhà.
Công điện cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của việc di chuyển gia cầm và người qua biên giới vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phưyơng triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra, bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm… Được biết, hiện bệnh cúm A (H5N1) đang xuất hiện tại một số địa phương giáp ranh với biên giới Campuchia và trên đàn chim yến nuôi tại tỉnh Ninh Thuận. Nguyên nhân gây nên bệnh cúm là sự lây nhiễm vi rút cúm gia cầm (H7N9) và A (H5N1), trong đó hoạt động vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm nhập trái phép đang diễn ra phức tạp là nguy cơ chính trong việc lây nhiễm. Ngoài ra, đến nay đã xuất hiện nhiều ổ dịch heo tai xanh và lở mồm long móng trên gia súc tại một số tỉnh miền Trung.
M.Đ