Hy vọng từ những tay máy trẻ

BẢO ANH 22/04/2013 18:41

(QNO) - Đã có một khoảng thời gian khá dài, nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam gần như không tìm được lực lượng kế cận. Đi đâu cũng vẫn là những gương mặt, những cái tên quen thuộc, đã lên "lão làng" như Trần Tấn Vịnh, Đặng Kế Đông, Dương Phú Tâm, Huỳnh Châu, Trương Văn Thế, Thái Tuấn Kiệt, Nguyễn Lượng... Cho mãi đến năm 2006, từ phong trào chơi ảnh tự phát trong cộng đồng những người làm nghề chụp ảnh dịch vụ và từ sân chơi của các câu lạc bộ ảnh ở cơ sở, một số gương mặt mới, trẻ đã xuất hiện. Đặc biệt, theo lời kể của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đặng Kế Đông, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, ngay khi phát hiện được những "nhân tố mới" ấy, các NSNA đi trước liền tìm đến khuyến khích, động viên, nhờ vậy mà một số tay máy trẻ đã nhanh chóng và tự tin bước vào sân chơi ảnh nghệ thuật xứ Quảng. Ông Đông nói thêm: "Nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng luôn đòi hỏi ở người nghệ sĩ sự trải nghiệm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn sẵn lòng chào đón và tin vào sự quyết liệt, xông xáo, mới mẻ, trẻ trung của những người trẻ tuổi, bởi đấy cũng là những yếu tố, phẩm chất cần có và ít nhiều có tính quyết định đến sự thành công của nghệ thuật".

Dương Phú Tâm là nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Quảng Nam được nhận tước hiệu Nghệ sĩ FIAP của FIAP.
Dương Phú Tâm là nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Quảng Nam được nhận tước hiệu Nghệ sĩ FIAP của FIAP.

Và thật vậy, hầu hết những tay máy trẻ được phát hiện trong mấy năm gần đây đã nhập cuộc khá nhanh vào sân chơi ảnh nghệ thuật và bước đầu gặt hái được một số thành quả đáng kể. Trong đó, thành công nhất phải kể đến hai tay máy trẻ Đặng Kế Đức và Mai Thành Chương (đều ở Hội An).

Sau 15 năm thành lập, đến nay Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam đã có 29 hội viên; trong đó có 10 người đã được Hội NSNA Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ VAPA (A.VAPA). Riêng NSNA Dương Phú Tâm, ngoài tước hiệu A.VAPA, anh cũng đã được Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế phong tước hiệu A.FIAP từ năm 2009.

Với Đặng Kế Đức, cuộc chơi của riêng anh chính thức bắt đầu từ năm 2007, sau khi giành được giải khuyến khích của Tạp chí Ánh sáng đẹp. Đến năm 2010, Đức được trao giải nhất cuộc thi ảnh Giờ trái đất và có ảnh dự treo tại Triển lãm khu vực miền Trung  - Tây nguyên. Đặc biệt, tại Triển lãm khu vực năm 2012, một trong những khuôn hình mà anh săn tìm, chớp bắt được từ cuộc sống tươi đẹp chung quanh mình đã được trao huy chương bạc... Còn với Mai Thành Chương, năm 2006 mới chân ướt chân ráo vào nghề đã tạo được cú đúp với một huy chương bạc và một giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam miền Trung - Tây nguyên. Cũng trong năm này, Chương còn có ảnh dự treo tại Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc - một sân chơi ảnh sang trọng và cực kỳ khắc nghiệt. Từ khởi đầu thuận lợi ấy, các năm sau đó, ảnh của Chương đã liên tục xuất hiện và thêm mấy lần được trao giải tại các cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật quốc gia, khu vực và các cuộc thi chuyên đề. Mới đây nhất, trong năm 2012, Mai Thành Chương cùng lúc giành được huy chương vàng tại cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc (tổ chức 2 năm một lần); huy chương vàng ảnh quốc tế ISF; huy chương bạc cuộc thi ảnh Các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam. Chính nhờ các thành tích ấy, Chương đã được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam và trở thành hội viên trẻ nhất của hội này.

Góc phố mùa lũ. Ảnh: Mai Thành Chương
Góc phố mùa lũ. Ảnh: Mai Thành Chương

Cùng với Đức và Chương, một số tay máy khác thuộc thế hệ 8X, 9X cũng bắt đầu chen chân vào được các sân chơi lớn. Ví như Võ Văn Phi Long (Điện Bàn), từ một anh thợ chụp ảnh làng đã dần trở thành một tay chơi ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp sau lần "thử nghiệm" thành công tại cuộc thi ảnh Nét đẹp đất Quảng 2009. Sang năm 2010, Phi Long giành được giải khuyến khích tại cuộc thi ảnh về vẻ đẹp Hội An và từ đó đến nay, năm nào anh cũng có tác phẩm được dự treo tại triển lãm ảnh thường niên cấp khu vực... Có "hoàn cảnh xuất thân" tương tự Phi Long, Lê Văn Ánh (Hội An) cũng bước vào sân chơi ảnh nghệ thuật thông qua các cuộc thi từ thấp đến cao. Trong đó, sự kiện và thành tích có ý nghĩa như một "bệ phóng" cho Ánh chính là cuộc thi ảnh báo chí tỉnh Quảng Nam năm 2008 do Báo Quảng Nam tổ chức (tại cuộc thi này Ánh đoạt giải C). Từ đó đến nay, Lê Văn Ánh đã giành được thêm 3 giải thưởng ảnh khác và cũng liên tục được góp mặt tại liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung - Tây Nguyên... Trong khi đó, nhập cuộc có phần muộn hơn nhưng Lê Trọng Khang (Duy Xuyên) cũng đã nhanh chóng tạo được dấu ấn trong làng ảnh nghệ thuật. Năm 2011, lần đầu tiên "thử sức" mình thông qua cuộc thi ảnh các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam, Khang đã được trao giải khuyến khích. Hai năm trở lại đây, ảnh của Khang cũng thường xuyên được chọn treo tại các cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề và khu vực.

Tâm sự của nón. Ảnh: Thái Tuấn Kiệt
Tâm sự của nón. Ảnh: Thái Tuấn Kiệt

Ngoài những gương mặt trên, nhiếp ảnh Quảng Nam hiện còn có một đội ngũ kế cận khá hùng hậu với gần 20 gương mặt trẻ, có năng khiếu và say mê chụp ảnh nghệ thuật đang sinh hoạt tại CLB Nhiếp ảnh Hà Đông (Tam Kỳ). Trong đó, có một số gương mặt đáng chú ý như Nguyễn Thanh Dũng, Doãn Thành Trí, Minh Hải, Nguyễn Hà, Phan Đình Tịnh, Trần Công Đức, Hoàng Hải... Đặc biệt, chỉ sau 5 tháng đi vào hoạt động, CLB này tạo được dấu ấn với nhiều chuyến đi thực tế sáng tác và 2 cuộc triển lãm ảnh cho riêng mình... Với tất cả những "yếu tố trẻ" ấy, nhiếp ảnh Quảng Nam nói chung - vốn có một bề dày truyền thống, và nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam nói riêng đã và đang có thêm những niềm hy vọng mới.

BẢO ANH

BẢO ANH