Ngày Trái đất 2013 (22.4): Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Kim Oanh 22/04/2013 08:49

Được Liên hiệp quốc công nhận và phát động trên toàn cầu vào năm 2009, Ngày Trái đất được tổ chức hằng năm vào 22.4 để nâng cao nhận thức bảo vệ cũng như ảnh hưởng của môi trường đến sự tồn vong của nhân loại.

VỚI chủ đề “Bộ mặt của biến đổi khí hậu” (BĐKH), Ngày Trái đất năm nay thu hút hơn một tỷ người trên khắp thế giới tham gia nhằm kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức và chính phủ hãy hành động bảo vệ trái đất vì một tương lai bền vững.

Các em học sinh đảo Antigua (Caribê) đang nhặt rác để ngôi làng của mình được sạch sẽ hơn. (Ảnh: www.earthday.org)
Các em học sinh đảo Antigua (Caribê) đang nhặt rác để ngôi làng của mình được sạch sẽ hơn. (Ảnh: www.earthday.org)

Có thể nói, khái niệm về BĐKH dường như không còn quá xa lạ đối với bất kỳ ai. Từ nhiều năm qua, BĐKH làm cho thiên tai, thảm họa, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần… ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và quy mô, gây tổn thất về nhân mạng và vật chất ngày càng nặng nề. Một mặt, thế giới ngày nay đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn diễn biến của BĐKH. Như, các nhà doanh nghiệp đều nắm bắt cơ hội để tạo ra nền kinh tế phát triển xanh, các nhà hoạt động xã hội tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức và trách nhiệm, hành động của cộng đồng để bảo vệ môi trường, các nhà xây dụng nỗ lực thiết kế các công nghệ thân thiện với môi trường, nhiều công dân cam kết với lối sống bền vững… Mặt khác, vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… lại thờ ơ với BĐKH. BĐKH luôn được đề cập trong các bàn nghị sự tại mỗi quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thế nhưng, một trong những vấn đề cấp bách là trách nhiệm cắt giảm khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp của nhiều nước là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế theo quy định để bảo vệ trái đất.

Hưởng ứng Ngày Trái đất 2013, từ thành phố Bilaspur của bang Chhattisgarh, Ấn Độ, một cậu bé đã viết “Chúng tôi đã sẵn sàng bảo vệ thiên nhiên từ bàn tay bé nhỏ của mình. Hãy đến với tôi. Tôi hạnh phúc vì gia đình mình đang đấu tranh chống lại các hoạt động từ nhà máy sản xuất sắt tại địa phương đang thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu chúng tôi thắng thì điều đó có nghĩa hệ sinh thái của chúng ta được bảo vệ. Hãy đấu tranh cùng với chúng tôi”. Nếu như thế giới có một Ngày Trái đất trong năm thì một trường tư ở thành phố Potomac, tiểu bang Maryland (Mỹ) luôn hướng tới này mọi lúc. Trẻ em từ 2-6 tuổi của trường St. James được tổ chức quan sát các loài sâu và nhặt rác trong sân trường. Trong lớp, các em bảo quản nước và điện, học cách tái chế và sử dụng lại, trồng hoa, trồng rau trong vườn của nhà trường vào mỗi mùa xuân. Cô Rebecca Boker dạy các em biết thế nào là sự quan trọng của việc bảo tồn trái đất và các em phải làm gì. Cô nói: “Nếu trẻ học điều này từ khi còn nhỏ, nó sẽ trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của các em. Đây là điều mà mọi người nên làm”.

Sáng 21.4, tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Tổng cục Môi trường, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trường Đại học Tài nguyên và môi trường và Công ty FPT đồng tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Trái đất 2013 với chủ đề “Hãy dừng ngay các hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước”. Sự kiện nhằm kêu gọi cộng đồng, các doanh nghiệp cùng hành động để dừng ngay việc gây ô nhiễm sông, hồ và các nguồn nước khác của Việt Nam. Nhiều hoạt động đa dạng diễn ra trong chương trình như: chạy quanh hồ Bảy Mẫu hưởng ứng Ngày Trái đất, làm vệ sinh môi trường, tuyên truyền phát tờ rơi bảo vệ môi trường, đổi rác (nhặt rác tại công viên Thống Nhất) lấy cây xanh và các sản phẩm dễ phân hủy từ ni lông, nhảy Flashmob cùng với các bạn thanh thiếu niên, tình nguyện viên... Bên cạnh đó, hoạt động viết thông điệp bảo vệ môi trường để dán lên cây “stick note”, vẽ tranh bảo vệ môi trường thu hút sự tham gia không phải chỉ có người lớn mà được đông đảo các em nhỏ hưởng ứng nhiệt tình.

Kim Oanh

Kim Oanh