Tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở Hội An: Chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở TP.Hội An có nhiều chuyển biến, đem lại hiệu quả tích cực. Song, vẫn còn không ít khó khăn trong việc đưa chính sách, pháp luật đến với người dân nhằm góp phần đảm bảo kỷ cương quản lý nhà nước, xây dựng xã hội văn minh.
Đưa pháp luật vào cuộc sống
Để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt hiệu quả, ngoài vai trò quan trọng là Hội đồng phối hợp công tác giáo dục pháp luật các cấp (gọi tắt là Hội đồng GDPL đứng đầu là Chủ tịch UBND, ngành tư pháp làm Phó Chủ tịch Hội đồng), TP.Hội An còn quan tâm xây dựng và bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở với hơn 100 người, trong đó 50% có trình độ đại học, cao đẳng; hầu hết có năng lực truyền đạt, chuyển tải thông tin, kiến thức pháp luật. Ông Nguyễn Văn Chu - Trưởng phòng Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng GDPL nói: “Cùng với việc tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, chúng tôi còn tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, giới thiệu qua trang thông tin điện tử, tủ sách pháp luật, phát hành miễn phí tập gấp, tờ rơi, băng, đĩa và các tài liệu khác. Ngoài ra còn có hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tổ chức phiên tòa giả định, tọa đàm chuyên đề...”. Chỉ tính trong 2 năm 2011 và 2012, toàn thành phố đã thực hiện khoảng 400 buổi tuyên truyền nội dung của 29 văn bản luật với gần 49 nghìn lượt người dự nghe. Trong đó, cấp thành phố tổ chức gần 40 buổi, gần 9 nghìn người tham dự; cấp xã - phường 360 buổi, gần 40 nghìn người dự.
Mít tinh là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật được các địa phương trên địa bàn TP.Hội An thực hiện trong thời gian qua. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Ông Chu còn cho biết, hình thức tuyên truyền qua hội thi, thu hút được đông đảo người dự xem nhờ yếu tố nghệ thuật sân khấu; qua đài truyền thanh, mức độ truyền tin nhanh, nội dung được chuyển tải nhiều lần. Nhiều địa phương, đơn vị còn sáng tạo tổ chức các hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả. Chẳng hạn như phường Cẩm Châu hay xã Cẩm Thanh đã lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt ở địa bàn dân cư; Hội Phụ nữ lồng ghép tuyên truyền chuyên đề về giới; một số địa phương đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; kết hợp tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới khi làm thủ tục đăng ký kết hôn... Phương thức trao đổi làm rõ nội dung tuyên truyền và kiểm tra trắc nghiệm, đánh giá sự tiếp thu của người nghe cũng bắt đầu được thực hiện.
Hiệu quả chưa cao
Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật Ngày 20.6.2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Theo quy định tại Điều 11 của luật này, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị, địa phương thực hiện thông qua họp báo, thông cáo báo chí; phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật. Thông tin pháp luật phải được chuyển tải đến toàn dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo, trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Các cơ quan, ngành chức năng tuyên truyền thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể; chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân...(L.V) |
Nghiêm túc nhìn nhận, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hội An thời gian qua vẫn còn thấp, chưa đạt như mong muốn. Theo ông Phan Ngọc Nhơn Kiệt - Ủy viên thường trực HĐND thành phố, nguyên tắc “kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm” trong công tác tuyên truyền pháp luật ở Hội An nhiều lúc, nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Có địa phương tổ chức tuyên truyền chậm so với kế hoạch nên mất tính thời sự, ít thu hút người nghe. Việc tuyên truyền nhắc lại, nhất là những quy định liên quan trực tiếp đến đời sống người dân chưa được thực hiện thường xuyên. Việc tuyên truyền pháp luật tại những vùng quy hoạch, dự án thiếu chủ động, trong khi nhu cầu của nhân dân ở nơi này rất lớn.
Qua kiểm tra, thường trực HĐND thành phố đánh giá, đối tượng tuyên truyền cũng còn hạn chế, nhiều luật chỉ được triển khai trong cán bộ quân dân chính và cán bộ, công chức, việc triển khai rộng rãi ra quần chúng nhân dân chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ người dân dự nghe thấp. Chẳng hạn như Luật Tố tụng hành chính chỉ được Cẩm Thanh tuyên truyền qua đài truyền thanh; Luật Giao thông đường bộ được Cẩm Phô tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt khu dân cư nhưng cả 8 khối phố chỉ có 215 người dự nghe; Luật Phòng, chống tham nhũng được báo cáo lồng ghép với những luật khác nên thời lượng không đảm bảo...
Nhìn lại công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua là việc làm cần thiết để Hội An phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, nhằm triển khai và đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả.
ĐỖ HUẤN