Cảnh báo ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển, một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm. Chỉ chú trọng tuyên truyền, cảnh báo trong các quán ăn, bếp tập thể mà không chú ý đến bữa ăn gia đình, các đám giỗ, lễ hội thì sẽ dễ gây ra những sự việc đáng tiếc.
Ăn giỗ hội, hơn 150 người nhập viện
Cho đến hôm qua, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên vẫn chưa cho xuất viện hết những bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm vào chiều 19.4 (mùng 10.3 âm lịch). Đây là những bệnh nhân lớn tuổi, vẫn còn tình trạng đau bụng, đi ngoài nhiều lần và mất sức do ói mửa. Bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho biết: “Trưa 19.4, trung tâm tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đầu tiên trong tình trạng ói mửa, đi ngoài liên tục. Từ 13 giờ chiều đến 20 giờ tối, số lượng ca ngộ độc thực phẩm được chuyển đến trung tâm mỗi lúc thêm đông với tổng số 154 người. Quá tải, trung tâm đã chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Vĩnh Đức và Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (huyện Điện Bàn)”.
Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên.Ảnh: ANH TRÂM |
Được biết, ngày 19.4, hai tộc họ Lê và Hồ tại Lệ Bắc, xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) tổ chức hội tộc, với 700 người tham dự. Thức ăn chính trong ngày hội tộc này là thịt bò được chế biến thành nhiều món. Và đã có khoảng 155 người nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm ngay buổi chiều và tối hôm đó. Con số bệnh nhân được sơ cứu tại các trạm xá lân cận và tại nhà không thống kê được. Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên đã phải huy động tất cả y - bác sĩ, điều dưỡng đang trực và nghỉ lễ tham gia cấp cứu bệnh nhân. “Chúng tôi đã sử dụng giường bệnh ở tất cả khoa, phòng, tận dụng hành lang mới đủ chỗ cho bệnh nhận. Các tộc họ ở Duy Châu cũng hỗ trợ xe chuyển người bệnh vào viện, nhưng do quá tải nên hơn một nửa số bệnh nhân đã được chuyển ra Điện Bàn” - bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh cho biết.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp lấy mẫu thực phẩm, gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên và các trạm y tế tuyên truyền, xử lý nguồn thức ăn ở vùng bị ngộ độc. Bác sĩ Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn với số lượng 154 người mắc, không có trường hợp tử vong hay chuyển biến nặng thêm nhưng gây hoang mang cho người dân. Có 2 vấn đề trong xử lý ngộ độc thực phẩm là tìm nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nguyên nhân ngộ độc sẽ có kết quả sau 5 ngày. Vì đây là hội lễ tộc, thức ăn do những người trong họ tộc tự chế biến nên không thể xử lý trách nhiệm”.
Hiện nay, tất cả bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe. Trong tổng số 154 người bị ngộ độc có hơn 15 trẻ em, 16 cụ già trên 70 tuổi. Cụ Hồ Thị Lành (Lệ Bắc, Duy Châu) vẫn đang còn điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho biết: “Hai ngày rồi mà tôi vẫn còn đau quặn bụng, buồn đi ngoài. Chỉ mong khỏe lại và về nhà”. Bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh cho hay: “Trước đây, ở Duy Xuyên cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tương tự với số lượng 190 người, nguyên nhân được kết luận là do người dân đã dùng hóa chất xịt diệt ruồi khi chế biến thức ăn. Chính các chất đó đã bám vào thức ăn gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Còn trong trường hợp này, cần có kết luận của cơ kiểm định chức năng”.
Cảnh báo ngộ độc ngày hè
Ngành chức năng khuyến cáo, trước tiên, các địa phương, nhất là những huyện có khu - cụm công nghiệp cần quản lý tốt loại hình bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, thức ăn đường phố phải được quản lý tốt, bởi với lợi thế rẻ, tiện lợi cho người dân, nhưng do được bày bán trên vỉa hè, sát đường giao thông, nên không tránh khỏi việc thực phẩm bị nhiễm bụi, nấm... Theo quy định của ngành y tế, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm các tiêu chuẩn: đủ nước sạch; có dụng cụ gắp thức ăn; không để lẫn thức ăn chín và sống; cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn về kiến thức và khám sức khỏe định kỳ... Nhưng hiện nay, có đến 90% số hàng quán bán thức ăn đường phố vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Về phía người dân, cần thực hiện việc lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn như chọn thực phẩm tươi, sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện “ăn chín, uống sôi”...
Bác sĩ Nguyễn Cam cho biết: “Nằm trong Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, các địa phương cần tuyên truyền các chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn cách chế biến thức ăn đúng cách cho người dân, đặc biệt kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm tươi”. Rút kinh nghiệm từ vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn như ở Duy Xuyên vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm yêu cầu các địa phương phối hợp kiểm tra, cảnh báo về tình trạng thức ăn an toàn vào thời tiết nắng nóng ở các đám cưới, đám giỗ và lễ hội, chạp mã họ tộc…
Anh Trâm