A Nông dần giàu lên
Thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng từ nuôi bò, thu nhập từ chăm sóc cao su có thể đạt 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng/hộ… Đó là kết quả khá bất ngờ sau một thời gian xã A Nông (Tây Giang) triển khai xây dựng nông thôn mới.
TRANG trại nuôi bò lớn nhất xã A Nông là của ông Bling Hiêr ở thôn A Rớt. “Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, chính quyền hỗ trợ bò cho bà con, gia đình tôi thực hiện trước. Mỗi năm nuôi từ 30 - 35 con bò, thu được từ 50 - 100 triệu đồng từ bán bò thịt, có tiền nuôi các con học hành đến nơi đến chốn, mua sắm vật dụng cho gia đình. Bây giờ bà con ở đây nuôi bò cũng có tiền, đời sống tương đối khá rồi…” - Ông Bling Hiêr phấn khởi cho biết. Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Bling Hiêr là một trong 18 trang trại, gia trại chăn nuôi hiệu quả từ lợi thế rừng ở xã A Nông hiện nay. Tính đến thời điểm này, đàn bò ở xã A Nông phát triển lên hơn 280 con, tăng gấp 4 lần so với 2 năm trước đó.
Một góc khu tái định cư A Nông đẹp hơn sau khi quy hoạch nơi ở theo tiêu chí nông thôn mới.Ảnh: D.HOÀNG |
Một hình thức phát triển kinh tế từ rừng khá ấn tượng khác của xã A Nông trong thời gian gần đây là phát triển mạnh diện tích cây cao su. Thống kê mới đây của huyện Tây Giang cho thấy xã A Nông có 168 hộ thì có đến 150 hộ tham gia trồng, chăm sóc cây cao su, diện tích cây cao su tại địa phương lên đến 250ha, và sẽ tăng lên 300ha trong năm 2013 này. Bling Trưa - Trưởng thôn A Rớt cho biết, cây cao su đã tạo ra hướng phát triển rất tốt cho bà con, cứ mỗi tháng một hộ dân đạt từ 3 - 4 triệu đồng từ việc chăm sóc ít nhất từ 0,5ha - 5ha. Thời gian qua, từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nhà nước cũng hỗ trợ đồng bào phát triển cây, con giống mới sản xuất hiệu quả, đời sống bà con thay đổi rất nhiều. Và người dân vùng cao này đang nghĩ đến mức thu nhập cao hơn khi cây cao su bắt đầu cho mủ trong vòng 5 năm tới.
Một kinh nghiệm cho thấy, khi A Nông được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chính quyền từ huyện đến xã bắt tay ngay vào công tác vận động, tuyên truyền nhân dân. Hiểu được lợi ích, nhiều người hưởng ứng rất tích cực, hăng hái hiến đất làm đường giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở, khu tái định cư, đóng góp tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Năm 2009 xã A Nông không đạt tiêu chí nào thì đến cuối năm 2012 địa phương đạt 12 tiêu chí nông thôn mới. Ông Phạm A – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ: “Điều mà chúng tôi vui mừng nhất là nhận thức sản xuất của đồng bào đã thay đổi rõ rệt, bà con dần bỏ thói quen, tập quán trồng trọt chăn nuôi theo lối cũ, tình trạng phá rừng làm nương rẫy trước đây không còn. Đặc biệt, mức thu nhập bình quân mỗi người dân đạt gần 12 triệu đồng năm 2012”.
D.Hoàng - C.Nguyễn