Chủ động đối phó với dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 và các loại bệnh nguy hiểm khác trên vật nuôi
(QNO) - Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người, gia cầm mắc bệnh, chết do cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 gây ra; đồng thời kìm hãm nguy cơ tái bùng phát bệnh lở mồm long móng và dịch tai xanh trên đàn gia súc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh vừa có Công điện số 04/CĐ-UBND gửi lãnh đạo các ngành liên quan và chính quyền 18 huyện, thành phố yêu cầu triển khai cấp bách một số biện pháp phòng dịch...
Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển gia cầm
Theo Công điện trên, đối với bệnh cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý, khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đại dịch cúm ở người từ huyện đến xã; giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Thú y) tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để tất cả các trường hợp tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập trái phép vào địa bàn. Đặc biệt, đối với các huyện Nam Giang và Tây Giang có đường biên giới với nước Lào phải tiêu hủy toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nơi xuất phát. Chỉ đạo UBND cấp xã điều tra nắm rõ và hướng dẫn các chủ chăn nuôi tự mua vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng cho các đàn gà, vịt từ 50 con trở lên. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm, đàn chim yến nuôi trong nhà, kịp thời phát hiện những ổ bệnh mới phát sinh, khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế để tránh lây lan.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải siết chặt khâu vận chuyển gia cầm vào địa bàn Quảng Nam. Ảnh: Văn Sự |
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của việc di chuyển gia cầm và người qua biên giới vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra, bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm; tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, trong đó lưu ý gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển hay nhập về tỉnh phải rõ nguồn gốc, có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, có chứng minh an toàn với dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục giám sát dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm và đàn chim yến nuôi trong nhà, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho gia cầm.
Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, như: Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình... tuyên truyền về tác hại của việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm đến sức khỏe của bản thân, sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh và đến ngành chăn nuôi cả tỉnh. |
Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, kịp thời báo cáo UBND tỉnh các trường hợp vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập trái phép vào địa bàn tỉnh, đề xuất biện pháp xử lý; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện.
Công điện cũng nêu rõ: “Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép để người dân hiểu và không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Công an tỉnh theo dõi, nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; có biện pháp giáo dục, vận động, trấn áp nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Tích cực hướng dẫn phòng lây nhiễm cúm
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng yêu cầu Sở Y tế kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp mức độ tiến triển của dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT trong giám sát, chia sẻ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh ở gia cầm để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người. Chuẩn bị kinh phí và kế hoạch mua sắm các loại vật tư, hóa chất, phương tiện cần thiết và thuốc điều trị để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm A/H7N9 và H5N1. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, xử lý ổ dịch, chẩn đoán và điều trị bệnh do cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, cúm A/H1N1 gây ra. Tăng cường kiểm tra công tác ứng phó với tình hình dịch bệnh có nguy cơ phát sinh tại các đơn vị, địa phương. Chỉ đạo cho các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác giám sát và xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền tới từng hộ gia đình để hướng dẫn và vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh...
Tiếp tục tiêm phòng vắc xin bổ sung cho vật nuôi
Đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tai xanh, trong Công điện số 04 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu phải tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 12.3.2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi. Trong đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc triển khai tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả heo, đảm bảo đạt hơn 80% tổng đàn. Tập trung theo dõi, giám sát, phát hiện bệnh sớm và báo ngay cho cơ quan thú y để chỉ đạo xử lý. Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan thú y khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh lở mồm long móng hoặc tai xanh phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng 4 (đóng tại Đà Nẵng) để xác định type vi rút gây bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT) để theo dõi, chỉ đạo.
Văn Sự