Cải thiện chỉ số PCI ?

Trịnh Dũng 17/04/2013 08:48

Sự bấp bênh, trồi sụt liên tục của PCI  đang là mối quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng. Nhưng việc xác định hướng cải thiện là điều không đơn giản.

Nỗ lực bứt phá

Theo công bố của VCCI, chỉ số PCI 2012 của vùng duyên hải miền Trung đã có nhiều sự thay đổi so với năm 2011. Sự có mặt của Bình Định, Đà Nẵng và Quảng Nam đứng trong nhóm tốt và các địa phương còn lại bứt phá để nằm trong nhóm khá đã giúp khu vực duyên hải miền Trung ghi điểm PCI 2012. Nếu so sánh PCI theo vùng miền, duyên hải miền Trung chỉ đứng sau các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sự sáng chói của “các ngôi sao mới” như Bình Định hay Phú Yên về PCI chủ yếu nhờ vào sự cải thiện mạnh trong các chỉ số về gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính minh bạch, chi phí không chính thức và tính năng động của lãnh đạo chính quyền địa phương. Nếu như Bình Định đã nhảy vọt 34 bậc, từ vị thứ 38 lên 4 và đang đứng đầu 63 tỉnh, thành phố về chỉ số gia nhập thị trường với 9,6 điểm (gần như tuyệt đối) thì Thừa Thiên Huế lại ghi điểm bằng sự năng động trong ban hành văn bản nhằm cải thiện chỉ số PCI. Ninh Thuận lại nổi lên một bước đi mới nhờ vào cách sử dụng tư vấn và mô hình nước ngoài để cải thiện từ 46 lên 18 của năm 2012. Còn Quảng Nam cũng đã không ngần ngại nêu lên những hạn chế của môi trường đầu tư để tìm cách cải thiện đã nhận được niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các biện pháp giảm chi phí gia nhập thị trường, bứt phá về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian và chi phí không chính thức… đã được các chuyên gia nghiên cứu ghi nhận như những ngôi sao sáng trong cải thiện môi trường kinh doanh của Quảng Nam.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xúc tiến kêu gọi đầu tư, thể hiện sự năng động của chính quyền trong việc điều hành kinh tế địa phương.  Ảnh: T.D
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xúc tiến kêu gọi đầu tư, thể hiện sự năng động của chính quyền trong việc điều hành kinh tế địa phương. Ảnh: T.D

Kết quả khảo sát doanh nghiệp về đánh giá môi trường đầu tư vùng duyên hải miền Trung, dựa trên 208 doanh nghiệp đang hoạt động của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội miền Trung mới đây, cho thấy 54,8% doanh nghiệp sẽ tăng quy mô vốn kinh doanh hoặc đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, mở rộng thị trường, 42,1% doanh nghiệp tiếp tục giữ quy mô hiện tại và chỉ 4,1% doanh nghiệp có ý định giảm quy mô hiện tại. Tinh thần lạc quan và thái độ tích cực của doanh nghiệp cũng cho thấy dấu hiệu tốt về môi trường đầu tư và kinh doanh của vùng duyên hải miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, nên đã tác động tốt đến việc thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn lựa chọn và quyết định đầu tư. Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu PCI cho biết những cải thiện mang tính chiều sâu khó thực hiện hơn như cải cách thể chế, thiết chế pháp lý, tăng tính minh bạch đang có dấu hiệu chững lại. Sự thụt lùi của PCI Đà Nẵng năm 2012 từ vị thứ 5 xuống 12 chủ yếu do mức giảm mạnh của điểm số của chỉ số thiết chế pháp lý và tính năng động của chính quyền địa phương. Điều đó có nghĩa sau một thời gian  tăng tốc mạnh, các địa phương duyên hải miền Trung cũng đang bắt đầu đặt chân vào ngưỡng của “bẫy cải cách”.

Tự soi mình

Việc ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng để chuyển nghị quyết, văn bản đó thành hành động và sau đó cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng thì vẫn là bước đi còn gian nan hơn
(Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI)

Duyên hải miền Trung bứt phá mạnh mẽ và Quảng Nam cũng đã duy trì được vị thứ thuộc nhóm tốt. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số PCI năm 2012 với điểm tổng hợp 60,27 điểm, đứng thứ 15/63 trong bảng xếp hạng, đã thấy điểm số và vị thứ đã tụt giảm 4 bậc. Một số chỉ số thành phần như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, thiết chế pháp lý… đã bị giảm điểm nhưng những chỉ số như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường… Nhìn lại thứ hạng PCI trong 7 năm qua (2006-2012), dù vẫn luôn được xếp vào nhóm khá và tốt, nhưng mức độ cải thiện vẫn không được bao nhiêu và luôn bấp bênh trồi sụt khiến chính quyền lo ngại và đôi khi lại là lực cản trong việc thu hút đầu tư mạnh vào địa phương. Ông Đậu Anh Tuấn nói, PCI giống như khảo sát khách hàng (doanh nghiệp dân doanh) xem họ có hài lòng với chất lượng điều hành của chính quyền hay không. Trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đã tham khảo và xác định chỉ số PCI để cân nhắc đầu tư vào những địa phương có điều kiện giống nhau. “Quảng Nam thường xuyên mở những cuộc đối thoại, trao đổi giữa chính quyền và doanh nghiệp. Sự chuyển tải một cách thông suốt tư tưởng cải thiện PCI từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ nhà nước các cấp là bước chuyển quan trọng của Quảng Nam. Chỉ số PCI mỗi năm là để địa phương tự soi mình để cải cách. Tuy nhiên, cũng hiểu rằng việc ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng để chuyển nghị quyết, văn bản đó thành hành động và sau đó cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng thì vẫn là bước đi còn gian nan hơn” - ông Tuấn nói. Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, việc nâng cao chỉ số PCI là một cuộc chạy đua đường trường. Cần nhanh chóng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng lao động, thể chế… Những tồn tại cần được mổ xẻ, phân tích để cải thiện trong việc phối hợp thống nhất, kịp thời. Các cơ quan công quyền, địa phương cần thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nâng cao mức sống của người dân, đừng để doanh nghiệp đến đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác...Giải quyết được điều này thì Quảng Nam sẽ trở thành một trong những tỉnh, thành thực sự có môi trường đầu tư tốt.

Có thể hiểu được rằng PCI như một quá trình xét nghiệm máu để chính quyền và cơ quan quản lý biết tình trạng cơ thể để “kê đơn, bốc thuốc”. Đó không phải là cuộc đua thứ hạng mà chỉ số PCI cần phải được xem như một quá trình nhìn lại bản thân để nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Nó không phải là con số cứng, mà chỉ là khởi đầu cho các địa phương cải cách hoàn thiện mình, thúc đẩy cải cách.  Xây dựng thương hiệu địa phương trước tiên phải nằm trong kế hoạch và là trách nhiệm của lãnh đạo trong chiến lược phát triển nền kinh tế và phải có sự tổng hợp sức dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Trịnh Dũng

Trịnh Dũng