Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Điều chỉnh để dễ quản lý
Luật Đất đai năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2010 đến nay có nhiều điều không còn phù hợp với thực tế khách quan, do đó ban hành Luật Đất đai mới là cần thiết. Tuy nhiên,
|
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần điều chỉnh một số nội dung để thuận tiện hơn trong công tác quản lý về đất đai.Ảnh: L.V |
Giao đất, thu hồi đất: nên có ủy quyền
Dự thảo quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có quyền ra quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định thu hồi đất, nhưng không được ủy quyền (Điều 57 và 65). Quy định như vậy, một mặt sẽ gây trở ngại cho người sử dụng đất, người bị thu hồi đất khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện đi nước ngoài hoặc đi công tác dài ngày, nhất là những trường hợp thu hồi đất mang tính cấp bách cần thực hiện kịp thời. Mặt khác, các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý ngành, lĩnh vực theo sự phân công của Chủ tịch nếu không được ký thay thì không phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình. Do đó, Dự thảo cần quy định mở và bổ sung vào Khoản 4, Điều 57 và Khoản 3, Điều 65 nội dung: “Khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện đi công tác dài ngày thì ủy quyền bằng văn bản cho cấp phó của mình thực hiện việc ký các quyết định giao đất, thu hồi đất. Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cùng cấp và pháp luật”.
Cần có nghị định quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều 93 của Dự thảo quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo một loại thống nhất trong cả nước; giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường quy định cụ thể. Luật Đất đai điều chỉnh phạm vi và đối tượng là đất đai, nhưng giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kể cả “quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở là chưa hợp lý và có thể coi là “lấn sân”. Nên chăng, vấn đề này giao cho Chính phủ căn cứ Luật Đất đai và Luật Nhà ở để ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật này là phù hợp theo trình tự của pháp luật. Như trên đã nói, Dự thảo quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền giao đất chứ không được ủy quyền. Trong khi ở Khoản 4, Điều 101 quy định những cá nhân này được ủy quyền cho cơ quan quản lý TNMT cùng cấp, cấp Giấy chứng nhận. Như vậy, sẽ dễ dẫn đến sự lạm quyền của cơ quan này đồng thời không phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các Phó Chủ tịch UBND.
Bảo đảm quyền lực nhà nước và quyền lợi của nhân dân Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo nhiều đại biểu, Dự thảo cần khẳng định và nêu rõ: Việc bồi thường, tái định cư cần bảo đảm các điều kiện sinh sống bằng hoặc hơn điều kiện sống của nơi ở trước khi bị thu hồi đất. Bởi hiện nay, có tình trạng nhà tái định cư có chất lượng thấp, người dân bị thu hồi đất không được tạo điều kiện về việc làm và học nghề... Bên cạnh đó, Dự thảo cần nêu rõ những nguyên tắc về thu hồi đất để bảo đảm quyền lực của các cơ quan nhà nước và quyền lợi của nhân dân. Một số ý kiến đề nghị: Nên thu hẹp phạm vi thu hồi đất; đồng thời, đối với những mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có mức và phương thức bồi thường khác nhau, qua đó vừa bảo đảm lợi ích của người dân, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, vừa sử dụng đất có hiệu quả... * Tin từ Bộ TNMT: Tính đến nay, Bộ TNMT trường đã nhận được hơn 6 triệu lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ đang tiếp tục tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, chuẩn bị trình Chính phủ báo cáo Quốc hội. (L.V) |
Ngoài ra, nếu Giấy chứng nhận được ủy quyền cho cơ quan quản lý TNMT ký, khi xảy ra tranh chấp và khiếu kiện sẽ khó xác định người bị kiện là Chủ tịch UBND hay cơ quan TNMT. Mặt khác, Dự thảo quy định việc cấp Giấy chứng nhận, nhưng không quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, sau khi đất đã bị thu hồi mà Giấy chứng nhận vẫn còn tồn tại thì rất dễ bị “chủ Giấy” lợi dụng để thế chấp, cầm cố bảo đảm tiền vay của ngân hàng, gây ra nhiều hệ lụy khó giải quyết về sau.
Do đó, Dự thảo Luật cần quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định giao đất thì cấp Giấy chứng nhận, nếu do trở ngại khách quan thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện. Như vậy sẽ phù hợp với công tác quản lý, điều hành của UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Mâu thuẫn về thủ tục giải quyết án hành chính
Khoản 2, Điều 198 Dự thảo quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai và Khoản 2, Điều 197 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai nhưng không quy định rõ trường hợp đã giải quyết khiếu nại lần hai vẫn được khởi kiện vụ án hành chính. Trong khi đó, Điều 42 Luật Khiếu nại năm 2011, đang có hiệu lực thi hành quy định: “… Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”. Do đó, nếu để Luật Khiếu nại hiện hành ổn định thì Dự thảo Luật Đất đai phải quy định việc giải quyết khiếu nại và khởi kiện thực hiện theo Luật Khiếu nại nhằm tránh sự chồng chéo của các luật này.
THÁI NGUYÊN TOÀN
(Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh)