Ở, mấy năm là vừa?

MỘC MIÊN 15/04/2013 08:48

Đây là nói chuyện giáo viên dạy ở vùng cao.

Năm nào cũng vậy, ngành giáo dục lúc nóng lúc âm ỉ chuyện giáo viên chuyển từ miền núi về đồng bằng. Kẻ được, người không, rồi nhỏ to chuyện tiêu cực này nọ; bức xúc vì mình mất đi mấy năm do văn bản nói không rõ ràng. Phải thừa nhận một thực tế rằng, quyền lợi của giáo viên, nếu văn bản không chính xác chữ nghĩa, ai muốn hiểu gì thì hiểu sẽ phát sinh tiêu cực ở chỗ người thừa hành có quyền “vận dụng” để làm bậy.

Quay lại với quy định: nam 5 năm, nữ 3 năm ở miền núi thì được chuyển về đồng bằng. Quy định là vậy, nhưng có người đằng đẵng 15 - 20 năm vẫn không chuyển được bởi không tìm ra chỗ nhận. Tiêu cực cũng chính từ đây mà ra. Chỗ nhận ở đâu? Ai nhận? Thiên hạ xì xào “có ba trăm lạng việc này mới xong”. Quyền nhận là ở chỗ người có quyền. Lắm khi còn trống chỗ, nhưng hiệu trưởng nói không cần thiết hoặc chưa nhận được, chờ đi. Nghĩa là quyền quyết định ở cơ sở. Nhưng, cũng không thiếu các ví dụ, là đầy rồi, nhưng lại xin về được. Do đâu? Hiệu trưởng tâm tốt? Bị áp từ trên xuống? Do người xin giỏi “chạy”?... Chắc chắn loại trừ nguyên nhân “trúng số” - tình cờ được nhận. Một lỗ hổng trong chính sách điều hành, là anh muốn chỗ  trống thì phải tạo ra chỗ trống, tức là chuyển từ đồng bằng lên miền núi mới có chỗ cho người miền núi về chứ không thể đã đầy rồi cố lấp, hoặc im lặng mở đường mạnh ai nấy chạy.

Nhưng, cái sự thuyên chuyển này đâu chỉ đi là xong. Anh đi, được phần anh, nhưng nhà trường ở đó mất một giáo viên đã qua kinh nghiệm giảng dạy. Bức tranh kinh tế xã hội miền núi còn lắm mảng tối, mà tựu trung có nguyên nhân chính là xuất phát từ con người. Một cán bộ huyện vùng cao nói, hãy có chiến lược giữ giáo viên lại để cải thiện bộ máy hành chính cấp xã, bởi ở đó cán bộ yếu lắm. Thầy cô giáo có trình độ, gắn bó, hiểu biết bà con. Tại sao không nghĩ đến chuyện biệt phái, đưa anh sang làm phó chủ tịch, phó bí thư vài năm, vẫn giữ nguyên mức lương giáo viên, giờ cộng thêm phụ cấp tương đương với công dạy tăng thay ở trường? Những người như thế hơn hẳn cái gọi là đề án 600 đưa cán bộ trẻ mới tốt nghiệp ra trường về làm phó chủ tịch xã, kinh nghiệm không có, lớ ngớ vài năm làm quen là hết hạn, rồi xin về. Một lãnh đạo Sở Nội vụ nói, phải xem lại thôi, có lẽ nên  đưa là lộ trình nam 10 năm, nữ 7 năm mới được chuyển về, mà muốn chuyển thì anh chị phải chứng minh được mình là giáo viên khá, giỏi, chứ không phải lên núi ăn lương cao, tích tắc vài năm là về. Phải như thế họ mới thực sự cống hiến, thực sự đem hết tâm lực truyền dạy cho học sinh chứ hãy nghĩ mà coi 3 - 5 năm, chớp mắt là xong, mà mỗi lần nhận rồi chuyển là cả một quy trình, xáo trộn bao điều. Một bí thư huyện miền núi từng bức xúc, không chạy được biên chế ở đồng bằng, thế là xung phong lên miền núi, kiếm biên chế xong là vọt. Miền núi là sọt rác à?

Vậy, ở mấy năm là vừa?

MỘC MIÊN

MỘC MIÊN