Xác định bản sắc homestay Mỹ Sơn
Đó là ý kiến của đại diện các công ty lữ hành quốc tế tại Quảng Nam, Đà Nẵng tham dự một famtrip, khảo sát mô hình homestay tại Mỹ Sơn để lên kế hoạch mở tour vào ngày 7.4 vừa qua.
Thật sự chưa có nét văn hóa đặc trưng cho một làng DL cộng đồng. Đến homestay Mỹ Sơn nhưng khách không có cảm giác là đang ở Mỹ Sơn. Chúng ta quên rằng mục đích khách sẽ ở lại vì làng này gần khu di tích Chăm Mỹ Sơn với nhu cầu tìm hiểu nhiều về văn hóa, tín ngưỡng, di tích… của người Chăm hơn là các dịch vụ phụ trợ.
Theo tour xe đạp thăm thú làng quê tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn và lưu trú tại nhà dân. |
Homestay Mỹ Sơn cần xác định giá trị cốt lõi, bản sắc riêng của làng ít trùng lặp, phù hợp với tài nguyên, văn hóa DL. Nếu làng Bhơ Hôồng gắn với văn hóa dân tộc Cơ Tu thì homestay Mỹ Sơn nên gắn với di tích Chăm Mỹ Sơn. Hãy tạo đặc trưng cho làng bằng cách lồng ghép vào những phù điêu, tranh tượng… và câu chuyện dân gian liên quan đến Mỹ Sơn để hầu chuyện và bổ sung kiến thức cho du khách. Định kỳ hằng tuần nên có tiết mục múa Chăm đối với du khách đi đến buổi chiều ở lại và chưa xem được tiết mục này trong khu vực di tích.
(Ông PHẠM NGUYÊN VŨ, Giám đốc marketing Hội An Tourist)
Tự̣ thân Mỹ Sơn đã có sức hút lớn. Sẽ có một lượng khách nhất định muốn qua đêm ở Mỹ Sơn. Nhu cầu này lớn hay bé, tùy vào việc họ được gì, trải nghiệm gì khi ở lại Mỹ Sơn. Nếu cộng đồng tổ chức tốt, huy động được sự tham gia và sáng tạo của nhiều người thì chắc chắn sẽ có tương lai.
Homestay và đạp xe có tiềm năng, nhưng nên cung cấp miễn phí xe đạp cho khách lưu trú. Bữa ăn có thể bán tốt, nhưng học nấu ăn thì không chắc vì phải cạnh tranh với Hội An. Chính quyền cần giải thích, thuyết phục rằng ILO chỉ có thể cung cấp tài chính cho từng đó gia đình (5 gia đình được tài trợ – PV). Làm sao để mọi người hiểu rằng, không phải chỉ là số tiền mấy chục triệu đồng tài trợ cho mỗi gia đình, mà đây là một cách làm mới, một thương hiệu Mỹ Sơn homestay chung cho cả cộng đồng, chứ không riêng cho các nhà đã được tài trợ. Sản phẩm cần phải được hoàn thiện thông qua việc đào tạo, hướng dẫn kỹ năng cho người dân. Quan trọng nhất là cần có chiến lược marketing, đưa sản phẩm ra thị trường hiệu quả. Bởi không có khách thì sẽ khó giữ được hình ảnh làng.
(Ông TRẦN ĐỨC, Trưởng đại diện Travel Indochina Đà Nẵng)
Ấn tượng nhiều nhất là đạp xe thăm khung cảnh làng quê với cánh đồng, đình làng, chùa, hồ nước và leo núi Hòn Đền. Các trang thiết bị tại homestay sạch, thoáng, người dân vui vẻ, cởi mở và các món ăn dân dã ngon, hợp vệ sinh. Tuy nhiên, cần tạo thêm bóng mát, trồng rau sạch… ngoài sân, vườn và món ăn phải được nấu tinh tế, bày biện bắt mắt hơn. Điều cần thiết là gia chủ phải giới thiệu từng món ăn, bày biện thêm những dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, cuốc, cối xay bột, nong nia, bồ đựng lúa… Những hoạt động phụ trợ của làng có thể hấp dẫn du khách và thành công với điều kiện khách trú qua đêm tại làng và dự án đã phát triển lớn mạnh.
(Ông NGUYỄN THANH PHƯƠNG, Trưởng đại diện GSO Travel Đà Nẵng)
TÙY PHONG (thực hiện)