Những người đàn bà lấn biển
Ở đó, mắm, bần sắp cao quá đầu người, mọc thành rừng, thành từng vệt dài màu lục non tươi trẻ trong nắng. Mọc đến đâu, đất quấn quít đến đó. Sóng nước từ kẻ chiếm chỗ, hung hăng, biến thành khán giả ngắm nhìn ngượng nghịu.
Không hề là chuyện ở miền tây xa xôi mà đó là hiện thực tại vùng quê Tam Giang (Núi Thành). Dằng dặc một thời kỳ dài rộ lên chuyện phá rừng ngập mặn để nuôi tôm. Bần, mắm muôn đời chắn sóng, dung dưỡng bầu khí trong lành, chốn lui về của chim, cá… bị chém ngang lưng, đổ sập dưới khát vọng đổi đời chóng vánh của con người. Bài học từ tôm, nay nhắc lại thêm buồn. “Đường xa nghĩ lại sau này mà kinh”. Rừng bị cạo trọc, sạt nghiệp vì tôm, rồi mùa lũ về, đê chắn sóng vỡ nát, nhà cửa, tính mạng treo đầu con sóng.
Sống thực ra không phải dễ dàng nhưng không hề là trò chơi oan nghiệt, nếu thuận theo lẽ trời. |
Chị Võ Thị Thuận, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tam Giang đưa ra con số: trước đây toàn xã có khoảng 60ha rừng bần, mắm. Cơn sốt làm tôm đã “nuốt” hơn 30ha. Nhưng, tỉnh ra chưa quá muộn màng. Năm 2010, trường Đại học Nông lâm Huế về Tam Giang, đưa ra mô hình bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, bắt đầu từ việc tuyên truyền, nhận thức đến việc lập câu lạc bộ, tổ chức hội thi nhận thức về việc bảo tồn môi trường sống. Đối tượng được các nhà khoa học nhắm đến là phụ nữ, bởi ở đây đàn ông đi biển, phụ nữ cáng đáng đồng áng, chuyện thâm canh, quảng canh đều nằm trong tay họ. Nhiều người mang cả cây mắm, bần trong vườn nhà mình ra trồng. Con số diện tích lấn sông, biển tăng dần lên, như thôn Đông Xuân đã có hơn 10ha, rồi cây mắm, bần được trồng, tự tái sinh. “Họ hiểu biến đổi khí hậu, lo ngại về nó, nhưng chừng mực thôi. Bây giờ đã có rừng ngập mặn, lợi ích trước mắt là đê chắn sóng không bị phá, chính điều đó phần nào thuyết phục được họ. Không phải là trồng cho có, cha chung không ai khóc mà chúng tôi giao hẳn rừng về cho hộ quản lý, từ đó việc chặt phá bừa bãi bị chấm dứt. Người dân cần có cách nào sinh lợi kinh tế từ rừng, điều đó sẽ hấp dẫn họ. Việc này đã có ví dụ thực tế, ngày 10.4, trường Đại học Nông lâm Huế đã hỗ trợ giống cua cho 10 hộ (1.500 con/hộ), nuôi thả trong rừng ngập mặn. Nếu mô hình này thành công, chắc chắn phụ nữ ở đây sẽ có niềm tin rằng trồng rừng không phải là chuyện hô hào, rảnh quá trồng chơi cho vui” - chị Thuận nói.
Người viết bài này đã có dịp về miền tây vùng Cà Mau, Bạc Liêu, ăn nhậu từ những thức nhắm trái bần, ngỡ ngàng nhìn rừng ngập mặn vùng biển tây mất dần cũng theo bàn tay con người bị con tôm dẫn dắt, rồi cũng bần thần nhìn rừng bần, đước, mắm, như cậu bé mới lớn vui đùa trong nước, khi chính những người đã chặt hạ nó bây giờ đau đớn nhận ra rằng, đến lúc mình phải trả nợ rừng, cái gì của rừng thì phải trả về cho rừng. Lách xuồng trong kênh rạch, nhìn cá uốn lượn dưới những gốc bần, chim trên đầu hội tụ, phù sa theo chân người mà lấn biển, mang cái ăn thức uống đền đáp công người mới nghĩ rằng, sống thực ra không phải dễ dàng nhưng không hề là trò chơi oan nghiệt, nếu thuận theo lẽ trời.
Ở Tam Giang, những người đàn bà đang mang mắm, bần lấn biển, kéo phù sa về với mình và họ đang trên hành trình nhận thức trở lại, rằng ngày xưa mắm bần mọc thành rừng, không phải là do vô ý sinh ra mà đó là lẽ hiếu sinh của trời đất dành cho con người bởi biết rằng phận người vốn nhỏ nhoi và bất lực trước tai ương và cũng biết trước rằng đến lúc nào đó con người sẽ trả giá vì sự dại dột của mình.
TRUNG VIỆT