Xử lý vụ việc về thực hiện sai chế độ trợ cấp: Giải quyết dứt điểm

DIỄM LỆ 12/04/2013 08:36

Hơn 50 người đã có mặt tại buổi tiếp công dân do Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức, là những người bị tạm dừng, chưa được giải quyết chế độ trong giai đoạn 1991- 1994, kéo dài đến nay.

Quang cảnh buổi tiếp công dân của Sở LĐ-TB&XH. Ảnh: D.L
Quang cảnh buổi tiếp công dân của Sở LĐ-TB&XH. Ảnh: D.L

Vụ việc kéo dài

Vào năm 1991, thực hiện các Nghị định 176/HĐBT, Nghị định 109/HĐBT, Quyết định 111/HĐBT và Quyết định 663 của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) về sắp xếp lại lao động trong các cơ quan, đơn vị kinh tế quốc doanh, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã cho cán bộ, công nhân viên chức (CB-CNVC) được nghỉ việc và giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần. Tuy nhiên, vào cuối năm 1993, các cơ quan, đơn vị này lại hướng dẫn CB-CNVC trả lại trợ cấp 1 lần và lập lại hồ sơ để được hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động. Đây là việc làm sai với quy định của Nhà nước, nên ngày 4.2.1994, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 450 yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của các đối tượng nói trên. Sau khi kiểm tra cơ quan chức năng đã phát hiện 387 trường hợp được giải quyết chế độ hưu trí, mất sức lao động trái với quy định. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH ban hành thông báo tạm dừng chế độ hưu trí, mất sức lao động của những đối tượng trên.

Ông Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm vụ việc này. Sở đã có thông báo cho công dân nộp đầy đủ giấy tờ, hồ sơ để làm cơ sở cho việc thẩm định, hạn chót là ngày 30.4.2013. Với những người không đủ hồ sơ do thất lạc, chúng tôi sẽ nghiên cứu một phương án giải quyết riêng. Chúng tôi sẽ bàn bạc với các ngành liên quan, trình các phương án đã được người dân thống nhất lên UBND tỉnh xem xét, để UBND tỉnh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến chỉ đạo thực hiện trong thời gian sớm nhất, không để kéo dài nữa”.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có Công văn số 1398 giao Sở LĐ-TB&XH thu hồi các sổ hưu trí, mất sức và số tiền đã cấp theo chế độ, giao các ngành, đơn vị có CB-CNVC phải thanh toán lại chế độ 1 lần. Nhưng các cơ quan, đơn vị đã giải thể nên việc chi trả không được thực hiện, người lao động phải chờ đợi kéo dài. Ông Nguyễn Hoàng Vũ (nguyên là công nhân Xí nghiệp Đường - rượu Quế Sơn) bức xúc: “Chúng tôi đã qua 20 năm chờ đợi, không biết bao nhiêu lần gõ cửa cơ quan chức năng. Tôi chỉ mong có câu trả lời giải quyết được hay không để khỏi chờ đợi. Bây giờ phải làm hồ sơ như thế nào, tôi mong cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể để chúng tôi thực hiện”.

Hướng xử lý

Ông Nguyễn Thành Khả, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết, vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, Sở LĐ-TB&XH nhận được nhiều đơn kiến nghị của CB-CNVC bị tạm dừng chế độ, trong đó chủ yếu thuộc Công ty Thương nghiệp Tam Kỳ (cũ) đề nghị xem xét, giải quyết chế độ. Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến chỉ đạo giải quyết; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Cục Thống kê tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình Bộ LĐ-TB&XH giải quyết theo 3 hướng. Thứ nhất, với 129 người đã được giải quyết chế độ 1 lần vào năm 1991 nhưng đến năm 1993 trả lại tiền để lập hồ sơ hưởng hưu trí, mất sức, đến năm 1994 bị dừng chế độ, thì bây giờ đề xuất hoàn trả chế độ 1 lần, làm sao đảm bảo giá trị tương đương với giá trị thanh toán tại thời điểm mà đối tượng đã được giải quyết trước đây. Thứ hai, với đối tượng vào năm 1993 do cơ quan, đơn vị thu hẹp sản xuất, tinh giảm biên chế cho nghỉ việc và được giới thiệu đi giám định hưởng chế độ mất sức nhưng sau đó không được giải quyết bất cứ chế độ gì thì sẽ được giải quyết 1 lần. Thứ ba, có 35 người có tham gia công tác trước năm 1975, sau nghỉ việc vào năm 1994 có thời gian tiếp tục công tác và tham gia BHXH, đề nghị xin được cộng nối lại quá trình công tác trước đây để được giải quyết chế độ hưu trí.

Về cách giải quyết của Sở LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Văn Ích (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia buổi tiếp công dân như thế này với đầy đủ các cơ quan chức năng, tôi rất vui mừng vì cơ quan nhà nước đã lắng nghe nhân dân. Tôi chỉ mong được giải quyết chế độ theo quy định hiện hành đúng pháp luật, đừng để người dân chờ đợi lâu. Cách thanh toán phải sao cho hợp tình, hợp lý”. Ông Bùi Thanh Trúc (xã Tiên sơn, Tiên Phước) kiến nghị: “Tạm dừng mà kéo dài đến 20 năm thì làm sao chúng tôi không bức xúc. Làm sao để người dân không bị thiệt, cho đúng chính sách, công trước công sau cũng là công với đất nước cả, người dân không đòi hỏi gì quá đáng mà chỉ mong được giải quyết chế độ đúng với cống hiến của mình. Hồ sơ có người đủ, nhưng có người cũng thất lạc vì lâu quá rồi, cơ quan chức năng cần nghiên cứu hướng dẫn, giúp đỡ người dân làm được hồ sơ để hưởng chế độ”. Tất cả những người tham gia buổi tiếp công dân đều đồng ý với 3 hướng giải quyết đã được Sở LĐ-TB&XH đưa ra.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ