Hy vọng của Linh

Nguyễn Điện Ngọc 12/04/2013 08:19

Tưởng chừng sẽ trở thành người bỏ đi từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, nhưng nhờ sự chăm sóc của gia đình cùng sự nỗ lực vượt lên số phận, cuộc đời Phan Thị Khánh Linh đã rẽ sang một trang mới...

Chị Phan Thị Khánh Linh - chủ cơ sở xoa bóp cổ truyền Hy Vọng giới thiệu với khách hàng về quy mô của cơ sở.
Chị Phan Thị Khánh Linh - chủ cơ sở xoa bóp cổ truyền Hy Vọng giới thiệu với khách hàng về quy mô của cơ sở.

Phan Thị Khánh Linh sinh năm 1974, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người mẹ nên khi mới cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc “cửa sổ tâm hồn” của Linh đã bị khóa chặt. Nén nỗi đau thương, mất mát, cha mẹ của chị chắt bóp bồng con cố chạy chữa ở nhiều nơi nhưng đành bất lực. Do kinh tế gia đình khánh kiệt, năm lên 6 tuổi Linh đành phải theo gia đình đi định cư tại xã Eak Touar, huyện Chư Quin, tỉnh Đắc Lắc.

Trong những năm tháng sinh sống tại xứ người, ngoài việc phụ giúp cha mẹ làm những việc vặt trong gia đình, Linh còn dành phần lớn thời gian để học tập. Vốn là người chịu thương, chịu khó, quyết tâm học cho bằng được cái chữ, năm 20 tuổi chị tốt nghiệp THPT. Quyết tâm không thể trở thành gánh nặng gia đình, năm 2007 chị khăn gói đến Đà Nẵng nộp hồ sơ xin học nghề xoa bóp cổ truyền tại trường Cao đẳng Y tế Trung ương 3. Ra trường, chị được cơ sở xoa bóp cổ truyền dân tộc Tấn Lợi (nay là cơ sở Nhân Ái) ở số 8 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Đà Nẵng nhận vào làm việc. Trong thời gian làm việc tại đây, Linh luôn được chủ cơ sở tin yêu, mọi người quý mến.

Sau khi tìm được việc làm ổn định, chị Linh luôn trăn trở làm sao có nhiều người cùng chung hoàn cảnh như mình có thể tự vươn lên trong cuộc sống. Với quyết tâm cùng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tháng 6.2011 Linh mạnh dạn thuê căn nhà tại số 255, đường Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ để xây dựng cơ sở xoa bóp cổ truyền. Xét thấy đủ điều kiện, các ngành chức năng đã cấp phép cho cơ sở xoa bóp cổ truyền Hy Vọng do Phan Thị Khánh Linh làm chủ. Cơ sở hiện có 3 phòng, 10 giường, thu nhận 6 nhân viên (3 nam, 3 nữ) là những người cùng cảnh ngộ, đến từ Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Nam vào làm việc với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù là những người khiếm thị, đi lại khó khăn nhưng họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, giao tiếp hòa nhã, lịch thiệp, thực hiện đúng quy trình kỹ, thuật được khách hàng đánh giá cao. Nhờ vậy, hằng ngày có từ 15 đến 20 khách đến xông hơi, giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt để chữa bệnh hoặc thư giãn. Không phân biệt chủ hay thợ, khi có việc, mọi người phân công nhau làm, ai rảnh thì vào bếp mò mẫm nấu cơm, cùng quây quần bên mâm cơm đạm bạc.

Gần hai năm đi vào hoạt động, cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ khách hàng cũng như các nhà hảo tâm. Đây không chỉ là nguồn động viên, an ủi rất lớn để anh chị em an tâm làm việc mà còn giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chị Phan Thị Khánh Linh tâm sự: “Thời gian đến, rất mong quý khách tiếp tục ủng hộ để cơ sở không chỉ tồn tại mà còn phát triển giúp anh chị em chúng tôi được có dịp phục vụ quý khách và có việc làm ổn định, tăng thu nhập nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó chính là ý nghĩa của cái tên Hy Vọng mà chúng tôi chọn đặt cho cơ sở này”.

Nguyễn Điện Ngọc

Nguyễn Điện Ngọc