Khai thác vàng trái phép: "Điểm nóng" Nam Giang

TRẦN HỮU - DUY THÁI 10/04/2013 08:33

Các xã vùng cao huyện Nam Giang lại trở thành “điểm nóng” khai thác vàng trái phép, gây bức xúc cho xã hội.

  • Đẩy đuổi hơn 100 đối tượng khai thác vàng trái phép
  • Kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại Tam Lãnh
  • Cận tết, "nóng" tình trạng khai thác vàng trái phép
  • Kiên quyết xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép tại Núi Cấm
  • Khai thác vàng trái phép bị phạt 70 triệu đồng
  • Khai thác vàng trái phép tại núi Cấm
  • Xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến khai thác vàng trái phép
  • Khai thác vàng trái phép ở Nam Trà My
Bức tử lòng sông Rin. Ảnh: H.PHÚC
Bức tử lòng sông Rin. Ảnh: H.PHÚC

“Bức tử” sông Rin

Lợi dụng mùa khô, sông Rin trơ đáy, giới lọ mọ (chuyên thăm dò, khai thác vàng - PV) phần lớn là cư dân địa phương rủ nhau đi đào đãi vàng trái phép, bất chấp sự truy quét gắt gao của lực lượng chức năng. Sông Rin, đoạn chảy qua địa phận 3 xã biên giới Đắc Pring, Đắc Pre và Chà Vàl (huyện Nam Giang) vô tình trở thành “điểm đến” của giới lọ mọ khắp nơi dạt về kiếm “xái” vàng. Tình trạng khai thác vàng trái phép tập trung trên địa bàn xã Đắc Pre. Người dân nơi đây cho biết, mỗi khi sông cạn nước, phu vàng tập trung từng nhóm khoảng 10 người, đưa hệ thống vòi rồng khai thác “vàng lậu” hoạt động liên tục công khai giữa ban ngày. Nguy hiểm hơn, một số khu vực khai thác vàng trên địa bàn Đắc Pre nằm sát trường học nên mỗi khi tan trường, học sinh còn tranh thủ đi mót vàng, tiềm ẩn nguy cơ trượt xuống hố sâu. Những ngày này, mực nước sông Rin xuống thấp chưa từng thấy, có đoạn trơ đáy kéo dài cả cây số, các phu vàng đổ xô về đây cày nát lòng sông. Cát sỏi bị bới tung, hai bên bờ bị sạt lở nghiêm trọng. Trước kia dòng sông Rin cung cấp nguồn nước dồi dào cho nhiều thôn bản thì bây giờ bị chặn dòng, hoặc bị ô nhiễm nặng bởi “vàng tặc”.

Chỉ với một đoạn sông dài chưa đến 100m qua địa phận xã Đắc Pre, chúng tôi nhận thấy có 5 máy nổ công suất lớn có gắn đường dây ống cắm sâu xuống lòng sông để hút quặng. Tiếng máy nổ phát ra chát chúa vang cả khúc sông. Một phu vàng tiết lộ, nhiều hộ dân chung góp tiền để mua máy, thiết bị, dụng cụ khai thác trị giá hàng chục triệu đồng. Ông Pơơ Loong Huê, người dân thôn 56a (xã Đắc Pre) bức xúc: “Nhìn dòng sông Rin đục ngầu nguồn nước, nhiều đụn cát bới tung ngăn dòng chảy, không ai dám ra tắm rửa, chúng tôi xót xa lắm. “Vàng tặc” đã gây mất ngủ cho dân làng từ sau tết đến nay”. Còn ông Brôt Trường - Chủ tịch UBND xã Đắc Pre cho biết: “Chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số không được khai thác vàng vì ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống của bà con, nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nhiều người dân đã bất chấp lệnh cấm, rủ nhau ra sông đãi vàng sa khoáng, hủy diệt nguồn nước”. Cũng theo ông Trường, chính quyền phối hợp với ngành chức năng của huyện Nam Giang thường xuyên tuần tra ngăn chặn nhưng “vàng tặc” vẫn tiếp tục hoạt động lén lút.

Tàn phá núi đồi

Rời sông Rin, vượt hơn 10km đường rừng là đến khu vực giáp ranh giữa hai xã Đắc Pre - Chà Vàl, vốn là “tâm điểm” của tình trạng khai thác vàng đá, gây nhức nhối cho xã hội suốt thời gian dài. Nhiều lán trại dựng san sát giữa lưng chừng núi. Trong phạm vi khu rừng tự nhiên rộng chừng vài nghìn mét vuông, nơi đóng chân của “vàng tặc” đã trơ trụi màu xanh, đồi đất đã san phẳng. Gỗ rừng bị đốn hạ còn ứa nhựa, đá quặng vứt vương vãi, đồi núi loang lổ hầm hố. Cạnh lán trại phu vàng sinh hoạt có 3 miệng hầm đang đánh nham nhở. Nhiều hầm mang hình chữ L, chữ S đâm xiên lòng núi sâu hàng chục mét nhưng đều không được chằng chống gỗ an toàn. Hiện trường để lại nơi đây có 4 lán trại, 3 máy nổ, 2 chiếc cối xay đá và một bình hơi để phu vàng hít thở không khí khi vào hầm lấy vỉa quặng. Lán trại cũ kỹ, bạt phai màu chứng tỏ tình trạng khai thác vàng đá đã diễn ra từ khá lâu. Để đưa được những chiếc máy nổ, cối xay đá quặng cồng kềnh, nặng hàng tấn, phu vàng đã tháo rời từng bộ phận linh kiện máy móc rồi thuê cửu vạn địa phương vận chuyển vào bãi vàng. Bên trong đường hầm tăm tối, ngột ngạt, còn bên ngoài đào các hồ chứa nước được phủ lớp bạt dưới đáy. Những chiếc máng gỗ bậc thang và mâm sắt hình nón được lắp đặt để tinh lọc vàng.

Hệ thống vòi rồng phun nước để rửa quặng vàng. Ảnh: V.THẢO
Hệ thống vòi rồng phun nước để rửa quặng vàng. Ảnh: V.THẢO

Theo báo cáo của huyện Nam Giang, vào cuối tháng 3, đoàn kiểm tra khoáng sản liên ngành của huyện đã tổ chức truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép tại các xã Chà Vàl, La Dêê, Zuôih. Theo đó, đốt phá 10 lán trại, tịch thu 9 máy nổ, hơn 2.500 lít dầu, 400m dây và các dụng cụ chuyên dùng để khai thác vàng trái phép. Tổng giá trị thiệt hại của “vàng tặc” hơn 500 triệu đồng. Ông Alăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nam Giang cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành liên tục đột kích vào các bãi vàng trái phép, song thực tế vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này. Cái khó cho địa phương là thiếu kinh phí hoạt động khi truy quét và xử lý tang vật tài sản lớn của “vàng tặc”.

TRẦN HỮU - DUY THÁI

TRẦN HỮU - DUY THÁI