Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Toàn dân tích cực tham gia

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN 08/04/2013 08:17

Sau 3 tháng (bắt đầu từ 2.1) thực hiện chủ trương của Trung ương về tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo), các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia với tâm huyết, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Các địa phương, đơn vị tổ chức sâu rộng các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các địa phương, đơn vị tổ chức sâu rộng các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Triển khai sâu rộng

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trần Kim Hùng khẳng định, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác lấy ý kiến góp ý của nhân dân một cách rộng rãi, dân chủ, công khai dưới nhiều hình thức phong phú. Cụ thể, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, mở chuyên mục “Góp ý Hiến pháp” trên trang điện tử của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và Sở Tư pháp. Đồng thời, mời các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, cán bộ hưu trí tham gia góp ý dưới hình thức các bài viết. “Cùng với việc tham gia góp ý, nhiều ý kiến bày tỏ tin tưởng với công tác triển khai lấy ý kiến nghiêm túc, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân như hiện nay, nhất định Hiến pháp mới sẽ là sự kết tinh của trí tuệ, ý chí, nguyện vọng toàn dân tộc” - ông Hùng chia sẻ.

Tính đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là một trong những đầu mối thu nhận nhiều ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo. Ông Lê Công Chiến - Trưởng ban Dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói: “Thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung của Dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý với nhiều hình thức phong phú như hội nghị, tọa đàm, thông qua các phương tiện truyền thông… Qua đó, góp phần định hướng cho nhân dân hiểu, nắm rõ ý nghĩa quan trọng của hoạt động góp ý cho Dự thảo”.

Tuần qua, tại Hà Nội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp nhận Bản tổng hợp hơn 8 triệu ý kiến tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Huỳnh Đảm cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, tới đây, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện và những hình thức phù hợp tiếp tục tổ chức để nhân dân đóng góp ý kiến cho Dự thảo đến ngày 30.9.

Theo ông Chiến, sau 3 tháng triển khai, kênh của Mặt trận đã tổ chức được hơn 1.190 hội nghị với sự tham gia của gần 130 nghìn lượt người, qua đó ghi nhận hơn 5 nghìn lượt ý kiến tham gia góp ý. “Các ý kiến góp ý thể hiện sự quan tâm tích cực ở tất cả các nội dung của Dự thảo. Trong đó tập trung nhất là các chương điều liên quan đến chế độ chính trị, quyền con người, quyền công dân” - ông Chiến cho hay.

Góp ý nhiều nhóm vấn đề lớn

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trần Kim Hùng, đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng Dự thảo đã khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992. Về kênh tiếp nhận góp ý từ Mặt trận, ông Lê Công Chiến cho hay, các ý kiến góp ý tập trung vào nhóm các vấn đề lớn. Như tại Chương II, nhiều ý kiến cho rằng quy định quá chung chung về quyền con người; chưa phân biệt rõ quyền con người, quyền công dân. Trong khi đó, vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người; chưa thể hiện cụ thể mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hay tại Điều 9 của Dự thảo quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của Mặt trận đã được đề cập khá đầy đủ. Nhưng, các ý kiến góp ý cho rằng, còn rất nhiều nội dung công tác thuộc về vai trò, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của Mặt trận chưa được thể chế hóa như: việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; hoạt động giám sát và phản biện xã hội; hoạt động đối ngoại nhân dân; công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài... Còn đối với việc tổ chức quyền lực, về vấn đề xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp nhưng phải “phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”…

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN